Tổ chức đối thoại, thực hiện dân chủ cơ sở tại nơi làm việc
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định việc tổ chức đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đối thoại, thực hiện dân chủ ở cơ sở ở nơi làm việc được quy định lần đầu trong Bộ luật Lao động năm 2012 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 và tiếp đến là Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 để quy định chi tiết và hướng dẫn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Nghị định đã quy định cụ thể các nguyên tắc về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; những nội dung người sử dụng lao động phải công khai; những nội dung người lao động được tham gia ý kiến; được quyết định; được kiểm tra, giám sát; quy định về việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu của một bên, với việc giao quyền tự quyết cho các bên về nội dung, số lượng, thành phần, thời gian, địa điểm, quy trình tổ chức đối thoại thông qua quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Qua quá trình thực hiện cho thấy, việc đưa các quy định về đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đã tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ về các chế định điều chỉnh về quan hệ lao động tại nơi làm việc (đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tranh chấp lao động và đình công). Thông qua các quy định đã làm cho nhận thức xã hội, đặc biệt là các đối tác xã hội, các bên trong doanh nghiệp có được cái nhìn đúng đắn về vị trí, vai trò của hoạt động đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; nhiều doanh nghiệp đã quan tâm và thực hiện các hoạt động đối thoại định kỳ, tổ chức hội nghị người lao động và các hình thức dân chủ khác, qua đó tạo ra sự chuyển biến nhất định về quan hệ lao động, nhất là ở những doanh nhiệp có nguy cơ tranh chấp lao động, đình công cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định về đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc còn có những hạn chế: (i) Các quy định về đối thoại được quy định dựa trên mô hình 01 tổ chức công đoàn là đại diện duy nhất cho người lao động trong doanh nghiệp, chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay khi Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép trong doanh nghiệp được thành lập nhiều hơn một tổ chức đại diện của người lao động; (ii) Chưa hình thành được các quy định rõ ràng về xác định số lượng, thành phần đại diện của các bên khi tham gia vào các loại hình đối thoại nhất là ở những doanh nghiệp có đông lao động và trong bối cảnh doanh nghiệp có nhiều hơn một tổ chức đại diện của người lao động và có cả những người lao động không tham gia tổ chức đại diện nào; (iii) Không phân định được rõ bản chất giữa đối thoại định kỳ và tổ chức hội nghị người lao động; (iv) Chưa quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc tổ chức và tiến hành từng loại hình đối thoại, dẫn tới sự lúng túng, không nhất quán trong quá trình thực hiện của các doanh nghiệp; (v) Nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc mới chỉ quy định cụ thể từng nội dung về người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và kiểm tra giám sát mà chưa nêu được các hình thức thực hiện cơ bản.

Bộ luật Lao động năm 2019 có các quy định về đối thoại khác với Bộ luật Lao động năm 2012, trong đó: (i) Quy định đối thoại định kỳ ít nhất 01 năm 01 lần (điểm a khoản 2 Điều 63); (ii) Bổ sung loại hình đối thoại vụ việc (điểm c khoản 2 Điều 63); (iii) Chủ thể tham gia đối thoại bên người lao động là tổ chức đại diện người lao động, có thể có nhiều tổ chức khác nhau được thành lập theo quy định của Bộ luật Lao động; và (iv) tại khoản 4 Điều 63 của Bộ luật Lao động giao Chính phủ quy định việc tổ chức đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Từ các thực tế trên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần thiết phải ban hành Nghị định quy định về việc tổ chức đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và khắc phục những bất hợp lý về đối thoại và thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đang đặt ra hiện nay.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 30
Trong ngày: 170
Trong tuần: 623
Lượt truy cập: 1591611
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com