Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      VÀNG TRANG SỨC DƯỚI 95% ĐƯỢC ÁP THUẾ XUẤT KHẨU 0%

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 788/QĐ-BTC ngày 27/04/2015 về công bố thủ tục hành chính mới ban hành về xuất khẩu vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng thuộc các nhóm 71.13, 71.14, 71.15 trong các lĩnh vực thuế quan thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính.

Theo đó, từ ngày 07/05/2015, để được áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 0%, doanh nghiệp xuất khẩu vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng thuộc các nhóm 71.13, 71.14, 71.15 tại Biểu thuế xuất khẩu có hàm lượng vàng dưới 95% phải nộp phiếu kết quả thử nghiệm giám định hàm lượng vàng dưới 95% kèm theo hồ sơ hải quan đối với vàng xuất khẩu theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC đến Cục Hải quan, Chi cục Hải quan tỉnh, thành phố có thẩm quyền.

Trong đó, phiếu kết quả thử nghiệm giám định hàm lượng vàng dưới 95% phải do Tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định, bao gồm: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3; Viện Ngọc học và Trang sức Doji; Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu - Trung tâm vàng hoặc tổ chức có quyết định chỉ định tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp.

Thủ tục này không áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức gia công xuất khẩu hoặc có đủ điều kiện xác định là được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu, xuất khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/05/2015.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 2.      THAY ĐỔI PHÍ TẠM ỨNG VỐN KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Đây là nội dung đáng chú ý của Thông tư số 62/2015/TT-BTC ngày 05/05/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 162/2012/TT-BTC ngày 03/10/2012 của Bộ Tài chính quy định việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước, áp dụng đối với ngân sách Trung ương và ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nếu như trước đây, Bộ Tài chính quy định mức phí tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước được áp dụng thống nhất là 15%/tháng (30 ngày) tính trên số dư nợ tạm ứng, thì theo Thông tư mới này, mức phí tạm ứng vốn chỉ còn là 0,15%/tháng. Bên cạnh đó, mức phí tạm ứng quá hạn cũng được điều chỉnh, sẽ được tính bằng 150% mức phí tạm ứng trong hạn, thay vì được tính bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm tính phí tạm ứng quá hạn như quy định cũ.

Thông tư này cũng chỉ rõ, trường hợp tạm ứng quá hạn nhưng được Bộ Tài chính gia hạn thì vẫn được áp dụng phí trong hạn cho đến hết thời hạn được gia hạn. Ngoài ra, Thông tư còn bổ sung nguyên tắc về việc rút vốn tạm ứng, cụ thể: Việc rút vốn tạm ứng có thể thực hiện một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số vốn tạm ứng của các lần rút vốn không vượt quá số vốn tạm ứng đã được Bộ Tài chính phê duyệt và Kho bạc Nhà nước ký duyệt.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015.

  1. 3.      QUY ĐỊNH VỀ CHO VAY CÓ BẢO LÃNH CỦA QUỸ BẢO LÃNH TÍN DỤNG

Ngày 04/05/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định tại Thông tư này, trước khi thực hiện cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, bên cho vay và Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện ký thỏa thuận khung hoặc thỏa thuận từng lần về việc phối hợp cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng để thống nhất các nội dung phù hợp về cho vay đối với khách hàng. Các nội dung thỏa thuận bao gồm: Trình tự phối hợp giữa các bên trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, giải quyết nhu cầu vay vốn có bảo lãnh của khách hàng; các nội dung liên quan đến phối hợp trong việc cung cấp chứng từ giải ngân, thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay; các biện pháp thu hồi nợ bên cho vay sẽ áp dụng trong trường hợp đến hạn trả nợ mà khách hàng không trả được hoặc trả không đầy đủ và trách nhiệm phối hợp của các bên trong chuyển giao quyền tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm bảo lãnh cho bên cho vay trong trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh...

Khi đó, Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm chuyển giao ngay quyền tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm bảo lãnh của khách hàng cho bên cho vay theo nội dung các văn bản thỏa thuận nêu trên; bên cho vay phải hoàn trả bản gốc chứng thư bảo lãnh cho Quỹ bảo lãnh tín dụng ngay sau khi Quỹ thực hiện chuyển giao tài sản bảo đảm đầy đủ.

Thông tư này thay thế Thông tư số 01/2006/TT-NHNN ngày 20/02/2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/06/2015.

Xây dựng:

  1. 4.      ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CHUNG CƯ DƯỚI 2 HECTA KHÔNG PHẢI LẬP QUY HOẠCH CHI TIẾT

Theo Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng, các khu chức năng đặc thù có quy mô trên 500ha sẽ được lập quy hoạch chung xây dựng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch đô thị; làm cơ sở lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng.

Với các khu vực trong khu chức năng đặc thù hoặc các khu chức năng đặc thù có quy mô dưới 500ha, tùy theo yêu cầu quản lý và phát triển, sẽ được lập quy hoạch phân khu xây dựng làm cơ sở xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết xây dựng.

Đặc biệt, trường hợp dự án đầu tư xây dựng do 01 chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 05ha hoặc 02ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư, chỉ phải lập dự án đầu tư xây dựng mà không phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng. Trong đó, bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng hoặc Giấy phép quy hoạch; đảm bảo việc đấu nối hạ tầng kỹ thuật, phù hợp với không gian kiến trúc khu vực.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về quy hoạch xây dựng nông thôn. Theo đó, các xã phải được lập quy hoạch chung xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện, làm cơ sở xác định các dự án đầu tư và lập các quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn. Đồng thời, các điểm dân cư nông thôn, khi thực hiện đầu tư xây dựng thì phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch chung và làm cơ sở cấp Giấy phép xây dựng.

Nghị định này thay thế Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/06/2015.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. 5.      THÀNH LẬP ÁT-LÁT ĐỊA LÝ PHẢI CÓ GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG

Chính phủ vừa ký Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 về hoạt động đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, vùng biển, lòng đất, vùng trời của Việt Nam, ban hành Danh mục 14 hoạt động dịch vụ đo đạc và bản đồ phải có giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Trong đó có hoạt động khảo sát, lập đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán công trình đo đạc và bản đồ; kiểm tra, nghiệm thu chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ; xây dựng lưới trọng lực, thiên văn, tọa độ, độ cao; chụp ảnh, quét địa hình từ máy bay; đo vẽ, thành lập bản đồ địa hình; đo vẽ, thành lập bản đồ địa chính; thành lập bản đồ hành chính; đo vẽ, thành lập bản đồ địa giới hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý và thành lập bản đồ chuyên đề, át-lát địa lý...

Để được cấp Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, tổ chức phải đáp ứng một số điều kiện cơ bản như: Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề đo đạc và bản đồ; có 01 kỹ thuật trưởng có trình độ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo về đo đạc và bản đồ, có thực tế hoạt động đo đạc và bản đồ ít nhất 03 năm, có hợp đồng lao động được đóng bảo hiểm từ 01 năm trở lên, trong đó, kỹ thuật trưởng này không được đồng thời là kỹ thuật trưởng của tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ khác; có 04 nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên, chuyên ngành đào tạo về đo đạc và bản đồ và phải có thiết bị công nghệ đo đạc và bản đồ phù hợp với định mức thiết bị theo quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015.

  1. 6.      CẤM LẤN CHIẾM ĐẤT THUỘC HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC

Theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 06/05/2015 quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để thực hiện chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn, chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, động vật, thực vật tự nhiên ven nguồn nước…

Do đó, các hành vi bị cấm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước bao gồm: Đe dọa, làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; sử dụng đất không đúng mục đích đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại…

Nghị định cũng quy định, đối với sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung và hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở khu vực này, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 10m tính từ mép bờ. Đối với sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung thì phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 05m tính từ mép bờ. Đối với đầm, phá tự nhiên và các nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa… thì phạm vi này không nhỏ hơn 30m…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015.

Đấu thầu-Cạnh tranh:

  1. 7.      YÊU CẦU NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH CHO GÓI THẦU XÂY LẮP

Ngày 06/05/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp, ban hành mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp áp dụng cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước với phương thức lựa chọn nhà thầu 01 giai đoạn 01 túi hồ sơ và 01 giai đoạn 02 túi hồ sơ.

Khi lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các mẫu  nêu trên và căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh bình đẳng. Đặc biệt, không được chỉnh sửa các quy định nêu trong mẫu hồ sơ về chỉ dẫn nhà thầu và điều kiện chung của hợp đồng; đối với các nội dung khác, có thể chỉnh sửa cho phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu.

Theo đó, yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu có thời gian thực hiện từ 12 tháng trở lên thường được xác định bằng 03 nhân với giá gói thầu trên thời gian thực hiện hợp đồng (thời gian này tính theo tháng); đối với gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng dưới 12 tháng, yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu bằng 30% nhân với giá gói thầu. Đối với các công việc đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giá trị phần công việc xây lắp của hợp đồng trong khoảng 50% - 70% giá trị phần công việc xây lắp của gói thầu đang xét, đồng thời vẫn phải yêu cầu nhà thầu bảo đảm có hợp đồng thi công tương tự về bản chất và độ phức tạp đối với các hạng mục chính của gói thầu...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015.

Chứng khoán:

  1. 8.      MÔI GIỚI CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH PHẢI CÓ VỐN SỞ HỮU TỪ 800 TỶ ĐỒNG

Ngày 05/05/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, trong đó nêu rõ, việc kinh doanh chứng khoán phái sinh của tổ chức kinh doanh chứng khoán phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.

Cụ thể, đối với hoạt động tự doanh chứng khoán, tổ chức đó phải là công ty chứng khoán có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên; với hoạt động môi giới chứng khoán, phải có từ 800 tỷ đồng trở lên và được phép thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh; với hoạt động tư vấn chứng khoán phái sinh, phải có vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Riêng trường hợp đăng ký kinh doanh cả hoạt động tư vấn, môi giới và tự doanh chứng khoán phái sinh, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán phải đạt tối thiểu từ 800 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, công ty chứng khoán thực hiện các hoạt động nêu trên của thị trường chứng khoán phái sinh phải không trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc trong tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Với dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phát sinh, Nghị định này cũng yêu cầu các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ. Nếu là thành viên lưu ký của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 5.000 tỷ đồng trở lên đối với ngân hàng thương mại và 900 tỷ đồng trở lên đối với công ty chứng khoán; nếu là thành viên bù trừ chung, ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đạt 7.000 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2015.

Giao thông:

  1. 9.      KHUYẾN KHÍCH LẬP DOANH NGHIỆP VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC QUY

Nhằm phát huy hiệu quả kết nối để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, vai trò và năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam; lồng ghép thực hiện các mục tiêu kết nối giao thông vận tải trong ASEAN với việc hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra theo các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các dự án cụ thể của ngành giao thông vận tải được phê duyệt..., ngày 08/05/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 604/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đề án nêu yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ kết nối trong ASEAN; đưa các tuyến đường bộ cao tốc có hướng tuyến phù hợp vào khai thác như là một phần của mạng đường bộ ASEAN để tạo thuận lợi và nâng cao chất lượng vận tải; đổi mới mô hình quản lý cảng biển phù hợp với Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư xây dựng cảng biển theo các hình thức đầu tư - cho thuê kết cấu hạ tầng cảng biển, đối tác công tư (PPP); triển khai áp dụng cơ chế một cửa quốc gia tại tất cả các cảng biển từ 2015; đẩy nhanh việc triển khai ứng dụng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử EDI; nâng cao chất lượng dịch vụ ở các nhà ga sân bay, cảng hàng không để xây dựng, quảng bá hình ảnh đẹp của hàng không nói riêng và đất nước, con người Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới...

Đặc biệt, Thủ tướng khẳng định, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích thành lập một số doanh nghiệp vận tải đa phương thức có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải hoàn chỉnh đường bộ - đường sắt - đường biển hoặc đường bộ - đường thủy - đường biển, đường bộ - đường hàng không; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và hiện đại hóa các phương tiện vận tải đường bộ, đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường; nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ phù hợp với tiêu chuẩn đường bộ của các nước ASEAN để đảm bảo kết nối và hội nhập quốc tế.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Cơ cấu tổ chức:

10. THAY ĐỔI CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

Ngày 07/05/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 868/QĐ-BTP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Luật Hà Nội (sau đây gọi là Trường); thay thế Quyết định số 420/QĐ-BTP ngày 19/01/2010.

Theo đó, chức năng của Trường là đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ luật học và các ngành khác liên quan phù hợp với mục tiêu và phương hướng phát triển của Trường; nghiên cứu khoa học pháp lý; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật. Trường chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư pháp và sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về cơ cấu tổ chức, bên cạnh một số đơn vị trực thuộc của Trường đã tồn tại từ trước như: Khoa Lý luận chính trị, Khoa Pháp luật hành chính - Nhà nước; Khoa Pháp luật hình sự; Khoa Pháp luật dân sự; Khoa Pháp luật quốc tế; Khoa Pháp luật kinh tế; Khoa Đào tạo sau đại học; Khoa Đào tạo tại chức…; Quyết định này cũng cho phép Trường thành lập mới Khoa Pháp luật thương mại quốc tế; bãi bỏ Khoa tiếng Anh pháp lý và Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng ngắn hạn. Đồng thời, thay đổi tên của Trung tâm Luật so sánh thành Viện Luật so sánh.

Quyết định cũng quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Trường, trong đó có những nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu như: Xác định và mở các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức năng được quy định; phát triển chương trình đào tạo theo hướng đa dạng hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; tổ chức tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá kết quả đào tạo, công nhận và cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và các văn bằng, chứng chỉ khác phù hợp; thực hiện các nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội… Ngoài ra, Trường cũng có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

11. HỖ TRỢ 70% NGÂN SÁCH XÂY DỰNG HẠ TẦNG KHU NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/05/2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa 70% ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Quy hoạch tổng thể; đồng thời, sẽ cho doanh nghiệp hoạt động trong khu được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các ưu đãi khác theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Công nghệ cao.

Đối với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng dựa trên các điều kiện cụ thể và dự án được phê duyệt. Tương tự, các nhiệm vụ tạo và phát triển công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được ưu tiên triển khai. Các hình thức hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp để tăng cường năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được hỗ trợ thực hiện...

Dự kiến, đến năm 2020, sẽ xây dựng được 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 08 khu đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập; hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung vào các đối tượng như rau, hoa, cà phê, chè, thanh long, bò sữa, bò thịt, gia cầm, tôm và xây dựng các cơ sở pháp lý, mô hình tổ chức, nguồn nhân lực phục vụ quản lý và điều hành các hoạt động của khu nông nghiệp ứng dụng cao...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thi đua- Khen thưởng-Kỷ luật:

12. THẦY THUỐC NHÂN DÂN PHẢI CÓ KINH NGHIỆM TỪ 20 NĂM

Theo Nghị định số 41/2015/NĐ-CP do Chính phủ ngày 05/05/2015 quy định về xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”, danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú được xét 03 năm một lần và công bố vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02 theo kế hoạch do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Trong đó, Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân được xét tặng cho các thầy thuốc có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu người bệnh, được nhân dân, người bệnh và đồng nghiệp tin cậy, kính trọng; chủ nhiệm ít nhất 01 đề án, đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ, tỉnh trở lên đã được nghiệm thu hoặc chủ nhiệm ít nhất 01 sáng kiến ứng dụng trong lĩnh vực y tế được Hội đồng Sáng kiến cấp Bộ, tỉnh cấp Giấy chứng nhận sáng kiến; có thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật trong ngành từ 20 năm trở lên; riêng đối với cán bộ quản lý y tế thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật...

Với danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Nghị định quy định, người được xét tặng phải đáp ứng một số tiêu chuẩn như: Chủ nhiệm ít nhất 02 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc tham gia 02 đề án, đề tài khoa học công nghệ, nhiệm vụ môi trường cấp Bộ, tỉnh; đối với thầy thuốc công tác tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phải chủ nhiệm 01 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc chủ nhiệm 02 sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp cơ sở đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả tại cơ sở và có thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật trong ngành từ 15 năm trở lên hoặc có từ 20 năm công tác trong ngành trở lên (đối với cán bộ quản lý y tế), trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật...

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/06/2015.


 

Đang truy cập: 49
Trong ngày: 241
Trong tuần: 823
Lượt truy cập: 1591970
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com