Dự thảo Đề án “Thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia\"
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Đề án “Thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới, tác động trực tiếp nhiều mặt đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội ở nước ta. Tài nguyên thiên nhiên, lao động chi phí thấp, thậm chí cả tiền vốn sẽ mất dần lợi thế so với đổi mới sáng tạo (ĐMST); và ĐMST sẽ dần trở thành động lực tăng trưởng hàng đầu đối với tất cả các nền kinh tế

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy xây dựng hệ sinh thái ĐMST, tập trung xung quanh một cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo (thường gọi là Trung tâm đổi mới sáng tạo) đã và đang chứng tỏ là công cụ thực hiện yêu cầu nói trên. Vì vậy, các Trung tâm đổi mới sáng tạo (TTĐMST) xuất hiện và phát triển ngày càng nhiều không chỉ ở các nước phát triển (Hoa Kỳ, Đức, Anh quốc, các quốc gia Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v.), mà cả ở các quốc gia đang phát triển.

Hiện nay, nước ta đã có một số khu công nghệ cao (CNC), công viên phần mềm và hàng chục cơ sở vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp có quy mô và lĩnh vực hoạt động khác nhau. Tuy vậy, có thể nói chúng ta chưa có một TTĐMST đúng nghĩa theo thực tiễn quốc tế tốt nhất.

Vì vậy, để hiện thực hóa được các cơ hội phát triển từ CMCN 4.0 và đưa ĐMST dần trở thành một động lực của tăng trưởng kinh tế, góp phần chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, đưa đất nước từng bước chuyển sang giai đoạn phát triển dựa trên ĐMST, việc thành lập TTĐMST quốc gia theo chuẩn mực quốc tế phổ biến, tiến tới hình thành mạng lưới ĐMST quốc gia ở trình độ phát triển cao đã trở nên hết sức cần thiết.

Thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia

Theo dự thảo, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (gọi tắt là Trung tâm hoặc NIC) là tổ chức kết nối các bên có liên quan, tạo thành hệ sinh thái ĐMST trên một vùng hay khu vực, trong các ngành nghề nhất định dựa trên lợi thế của khu vực và vùng được chọn.

Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ: Thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ bằng các hoạt động: giới thiệu, trình diễn các công nghệ mới, nhất là công nghệ CMCN 4.0; kết nối các nhà cung cấp công nghệ với các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cung cấp các dịch vụ chuyển giao công nghệ, dịch vụ hỗ trợ tiếp nhận và áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ CMCN 4.0 cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, v.v.

Về các lĩnh vực ưu tiên: Trung tâm sẽ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ với các công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 nói chung, không hạn chế theo ngành, lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, trong định hướng hoạt động ưu tiên, trước mắt Trung tâm sẽ tập trung trước hết các lĩnh vực sau đây:

(i) Nhà máy thông minh (smart factory), gồm các thiết bị và giải pháp IoT, giải pháp phân tích dữ liệu và tối ưu hóa hoạt động sản xuất, v.v.;

(ii) Thành phố thông minh (smart city): các thiết bị và giải pháp thu thập và xử lý dữ liệu quản lý đô thị, quản lý đô thị thông minh, bao gồm giao thông thông minh, y tế thông minh, cung cấp các dịch vụ công ích thông minh, v.v.;

(iii) Truyền thông số (media & entertainment), bao gồm trò chơi, quảng cáo, phim ảnh, âm nhạc, v.v.;

(iv) Công nghiệp an ninh mạng, bao gồm các giải pháp an ninh mạng để bảo vệ các hệ thống thông tin, mạng dân sự (nhà máy, thành phố, cơ quan hành chính, v.v.);

(v) Công nghệ môi trường: giải pháp và thiết bị hỗ trợ sản xuất sạch, cải tạo môi trường, giảm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, v.v.

Các công nghệ và phân ngành ưu tiên cụ thể sẽ được lựa chọn trên cơ sở tham vấn các doanh nghiệp, các chuyên gia công nghệ và tình hình phát triển của thị trường.

Dự kiến Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ được đầu tư xây dựng tại Khu nghiên cứu và phát triển của Khu CNC Hòa Lạc với diện tích khoảng 23 ha, giáp với Đại học FPT và khu Trung tâm của Khu CNC Hòa Lạc.

Vốn đầu tư xây dựng công trình Trung tâm sẽ được huy động từ đóng góp của doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư; không sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.


 

Đang truy cập: 14
Trong ngày: 60
Trong tuần: 1029
Lượt truy cập: 1595200
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com