Đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13.

Bộ Tư pháp cho biết, qua 3 năm thi hành Luật năm 2015 cho thấy, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã có chuyển biến tích cực, chất lượng văn bản pháp luật đã được nâng cao hơn, nhiều văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, việc thi hành Luật năm 2015 trong thời gian qua đã nổi lên một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: Về lập đề nghị xây dựng văn bản theo quy trình chính sách, Luật năm 2015 bổ sung quy trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (xây dựng, đánh giá tác động, thẩm định, thông qua chính sách) trước khi soạn thảo đối với một số loại văn bản. Trong quá trình thực hiện quy định này, nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng phạm vi các loại VBQPPL cần phải lập đề nghị theo quy định của Luật năm 2015 là quá rộng. Nhiều nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chỉ quy định cụ thể về biện pháp tổ chức thi hành văn bản của cấp trên, không quy định chính sách mới, nhưng vẫn phải lập đề nghị xây dựng văn bản, làm hạn chế khả năng phản ứng nhanh của Chính phủ và chính quyền địa phương đối với những vấn đề cấp bách của xã hội.

Về xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, Luật năm 2015 quy định việc soạn thảo VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng không quy định trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc ban hành văn bản để bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ VBQPPL; ban hành văn bản để tạm ngưng hiệu lực của một văn bản khác hoặc kéo dài hiệu lực của văn bản quy định thực hiện thí điểm các chính sách. Nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương cho rằng, quy định này của Luật năm 2015 là chưa phù hợp với thực tiễn ban hành văn bản trong thời gian vừa qua.

Về ban hành thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật, theo quy định của Luật năm 2015 thì chỉ được quy định thủ tục hành chính trong thông tư, thông tư liên tịch và VBQPPL của chính quyền địa phương khi được giao trong luật. Trong quá trình áp dụng quy định này, các bộ, ngành, địa phương còn gặp một số khó khăn, lúng túng trong việc: 1- Xác định các trường hợp được quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và VBQPPL của địa phương; 2- Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục hành chính trong các thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, VBQPPL của địa phương đã được ban hành; 3- Quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về biện pháp đặc thù của địa phương thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật năm 2015.  

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật năm 2015 nêu trên, Bộ Tư pháp đã đề xuất dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13. Dự thảo đề xuất sửa 55 điều (30 điều sửa nội dung, 25 điều sửa về kỹ thuật) được xây dựng trên cơ sở các chính sách đã được Chính phủ thông qua.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 19
Trong ngày: 81
Trong tuần: 1037
Lượt truy cập: 1595221
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com