Đề xuất quản lý tài sản quý tạm gửi do Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định việc quản lý đối với tiền mặt, giấy tờ có giá, tài sản quý tạm gửi, tạm giữ do Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản.

Theo dự thảo, nguồn gốc tài sản do Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản gồm: 1. Tài sản do các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan chức năng của địa phương bàn giao cho Kho bạc Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 2. Tài sản tịch thu theo quy định của pháp luật hoặc được xác lập quyền sở hữu toàn dân; 3. Tài sản do các cơ quan chức năng tạm gửi, tạm giữ đang chờ quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.

Về hình thức nhận bảo quản, dự thảo nêu rõ Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản tài sản theo hòm/ túi/ gói đã được niêm phong có đóng dấu hoặc kẹp chì của bên gửi tài sản.

Trình tự Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản tài sản như sau: Kiểm tra các giấy tờ theo đúng quy định; kiểm tra niêm phong, đảm bảo các yếu tố ghi trên niêm phong đúng quy định như tên cơ quan chủ trì tổ chức niêm phong; họ tên, chữ ký của những người tổ chức thực hiện niêm phong; người chứng kiến niêm phong và người liên quan (nếu có); thời gian niêm phong. Kho bạc Nhà nước không nhận bảo quản tài sản của nhiều vụ việc trong một gói niêm phong.

Lập Biên bản bàn giao, tiếp nhận để bảo quản. Ban Quản lý kho của Kho bạc Nhà nước cho hòm/túi/gói đó vào hòm/túi/gói của Kho bạc Nhà nước niêm phong lại ghi số hiệu, ngày tháng của Biên bản nhận tài sản và ký tên trên niêm phong. Mỗi hòm/túi/gói chỉ đựng tài sản của một vụ việc.

Trong ngày làm việc, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ quy định, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục nhận tài sản. Khi đã có phương án xử lý tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền. Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán nộp Ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước trong giao, nhận bảo quản tài sản: Mở các loại sổ để ghi chép, theo dõi từng lần nhập, xuất tài sản; hướng dẫn thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho bên gửi đến giao và nhận lại tài sản; giữ bí mật và bảo đảm an toàn tuyệt đối hòm/túi/gói niêm phong tài sản của bên gửi tài sản, không để xảy ra nhầm lẫn, mất mát, hư hỏng tài sản. Trả đúng, đủ tài sản theo hòm/túi/gói niêm phong cho bên gửi khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 36
Trong ngày: 118
Trong tuần: 1251
Lượt truy cập: 1596630
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com