- Quý I/2020, sẽ có quy định điều chỉnh lương hưu
Đây là thông tin nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội do Chính phủ ban hành tạiNghị quyết 125/NQ-CP ngày 08/10/2018.
Cụ thể, Chính phủ đặt kế hoạch trong quý I/2020, sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.
Trong quý III/2019, sẽ nghiên cứu thí điểm thực hiện gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, tiếp tục hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021; sửa các quy định về tiền lương để thuận lợi cho việc xác định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp.
Sau đó, vào giai đoạn 2020 - 2021, Luật Việc làm sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chính chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và ngời lao động duy trì việc làm, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp…
Cũng tại Chương trình hành động này, Chính phủ cho biết sẽ điều chỉnh căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bằng ít nhất 70% lương.
- Bãi bỏ nhiều điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô tại Nghị định 116/2017
Ngày 11/10/2018 vừa qua, Bộ Công Thương đã ra Quyết định 3720/QĐ-BCT về Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 - 2020, trong đó có lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, bảo hành bảo dưỡng ô tô.
Cụ thể, sẽ bãi bỏ, đơn giản hóa một số điều kiện đối với cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô được quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP, như:
- Bỏ quy định người phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô phải có trình độ đại học trở lên, thuộc ngành cơ khí ô tô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tối thiểu 05 năm;
- Bỏ quy định cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô phải có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
- Chuyển sang hậu kiểm đối với điều kiện: Đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy…
Ngoài lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, bảo hành, bảo dưỡng ô tô, Bộ Công Thương còn đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh ở 07 lĩnh vực khác, trong đó có: Kinh doanh thực phẩm; Kinh doanh sản phẩm thuốc lá; Kinh doanh rượu…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 11/10/2018.
- 5 trường hợp văn phòng luật bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động
Ngoài quy định về việc Thẩm phán bị cách chức không được miễn tập sự luật sư, Nghị định 137/2018/NĐ-CP còn quy định cụ thể về các trường hợp công ty luật, văn phòng luật sư bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.
Các trường hợp này bao gồm:
- Công ty luật, văn phòng luật chấm dứt hoạt động theo quy định khoản 1 Điều 47 của Luật Luật sư;
- Bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy đăng ký hoạt động theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính;
- Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động;
- Không hoạt động liên tục tại trụ sở đã đăng ký trong thời hạn 06 tháng, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động theo quy định;
- Không hoạt động trở lại hoặc không báo cáo về việc tiếp tục tạm ngừng hoạt động quá 06 tháng, kể từ ngày hết thời hạn tạm ngừng hoạt động theo quy định.
Nghị định 137/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư đã được Chính phủ ban hành ngày 08/10/2018, có hiệu lực từ ngày 25/11/2018.
- Gợi ý dân đưa tiền, công chức hải quan bị Khiển trách
Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan đã được Tổng cục Hải quan ban hành ngày 26/9/2018, tại Quyết định 2799/QĐ-TCHQ.
Theo Quy chế này, công chức ngành hải quan sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức Khiển trách khi có hành vi đưa, ép buộc hoặc hẹn người dân, doanh nghiệp đến nơi, vị trí ngoài công sở hoặc ngoài giờ làm việc với mục đích gây phiền hà, sách nhiễu, gợi ý đưa tiền, quà biếu hoặc lợi ích khác.
Nếu lợi dụng trách nhiệm, nhiệm vụ được giao nhũng nhiễu, vòi vĩnh, nhận tiền, quà hoặc lợi ích khác ngoài quy định gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của ngành, công chức sẽ bị Hạ bậc lương. Trong trường hợp này, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị Giáng chức, Cách chức hoặc Buộc thôi việc.
Ngoài ra, hình thức kỷ luật Khiển trách cũng được áp dụng đối với công chức: Tự ý phát ngôn làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân của ngành; Uống rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm; Tự ý bỏ việc, nghỉ việc không xin phép…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 26/9/2018.
- Đấu giá hàng dự trữ quốc gia phải đặt trước tối thiểu 5%
Ngày 02/10/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 92/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 89/2015/TT-BTC hướng dẫn nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia.
Thông tư này quy định người tham gia đấu giá mua hàng dự trữ quốc gia phải đặt trước một khoản tiền tối thiểu 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá; trong khi trước đây, mức tiền đặt trước chỉ tối thiểu là 1% và tối đa là 15%.
Nếu trúng đấu giá, khoản tiền này được chuyển cho đơn vị dự trữ quốc gia có hàng dự dữ quốc gia bán đấu giá để chuyển thành tiền đặt cọc bảo đảm thực hiện giao kết hợp đồng; Nếu không trúng đấu giá, khoản tiền này được hoàn trả cho người tham gia đấu giá trong 03 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá.
Trong một số trường hợp, người tham gia đấu giá không được nhận tiền đặt trước, như: Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc bán đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng; Bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm; Từ chối ký biên bản đấu giá; Rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp thuận…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/11/2018.
- Không sử dụng hình ảnh hút thuốc lá trong phim dành cho trẻ em
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 25/2018/TT-BVHTTDL quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh ngày 30/08/2018.
Theo đó, tác phẩm sân khấu, điện ảnh không được sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc lá trong các trường hợp sau đây:
- Thể hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 và hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hút thuốc lá quy định tại Điều 13 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án hành vi này;
- Ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh thuốc lá;
- Thể hiện trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư cũng quy định, diễn viên chỉ được sử dụng thuốc lá nhằm mục đích nghệ thuật trong tác phẩm điện ảnh khi thuộc vào một trong 4 trường hợp sau:
- Khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật;
- Tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định;
- Phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá;
- Trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật khác được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2018.
- Bộ Công Thương nới lỏng điều kiện kinh doanh rượu
Hàng loạt điều kiện kinh doanh rượu đang được Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ tại Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ này giai đoạn 2019 - 2020.
Cụ thể, với điều kiện phân phối rượu, Bộ muốn bỏ các điều kiện:
- Có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 150m2 trở lên;
- Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
Với điều kiện bán buôn rượu, 02 quy định được đề xuất bãi bỏ là:
- Có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 50m2 trở lên;
- Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
Với điều kiện bán lẻ rượu, quy định rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm cũng được bãi bỏ.
Trong tất cả các điều kiện kinh doanh rượu nêu trên, quy định về việc đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường được Bộ đề xuất chuyển sang hậu kiểm.
Phương án nêu trên được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định 3720/QĐ-BCT, ban hành và có hiệu lực từ ngày 11/10/2018.
- Cấp bậc quân hàm cao nhất của Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel
Nghị quyết 562a/2018/UBTVQH14 về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Quốc phòng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành vào ngày 11/8/2018.
Theo đó:
- Cấp Trung tướng được quy định cho:
+ Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng;
+ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).
- Cấp Thiếu tướng được quy định cho:
+ Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam;
+ Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng có số lượng không quá 03; Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng có số lượng là 01.
+ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel có số lượng không quá 03, gồm: Phó Tổng Giám đốc là Bí thư Đảng ủy; Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối công nghệ thông tin và an ninh mạng.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 25/09/2018.
- Đăng kiểm viên chỉ được kiểm định tối đa 20 xe/ngày
Từ ngày 01/01/2019, quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ được áp dụng theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Nghị định này, số lượng xe cơ giới được cấp Giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (08 giờ làm việc) phải thỏa mãn đồng thời các quy định:
- Trường hợp 01 đăng kiểm viên kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 xe; trường hợp nhiều đăng kiểm viên cùng kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 lần số lượng đăng kiểm viên;
- Không quá 90 xe đối với dây chuyền kiểm định loại I và không quá 70 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại II.
Cũng theo Nghị định này, đơn vị kiểm định phải đáp ứng một số điều kiện về nhân lực như sau: Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 03 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất 01 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao; Có phụ trách dây chuyền kiểm định (phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa 02 dây chuyền); Có lãnh đạo đơn vị đăng ký và nhân viên nghiệp vụ theo quy định…
Nghị định 139/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 08/10/2018; có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
- Đến 2022, lao động nước ngoài phải đóng 8% BHXH bắt buộc
Ngày 15/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau: ốm đau; thai sản; bảo hiểm; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.
Theo đó, từ ngày 01/01/2022, hàng tháng người lao động nước ngoài đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
Mức đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động cho người lao động nước ngoài như sau:
- 3% vào quỹ ốm đau thai sản;
- 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01/01/2022.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.
- Hơn 4 triệu trẻ em sắp được tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella
Bộ Y tế vừa ra Quyết định 6193/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi năm 2018 - 2019.
Theo Kế hoạch, tất cả trẻ từ 1 - 5 tuổi tại vùng có nguy cơ cao tại 57 tỉnh và thành phố trên cả nước sẽ được tiêm bổ sung 01 mũi vắc xin Sởi - Rubella, ngoại trừ trẻ đã tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi hoặc phòng bệnh Rubella trong thời gian dưới 01 tháng trước khi tiêm bổ sung. Tổng số lượng dự kiến khoảng hơn 4,2 triệu trẻ.
Thời gian tiêm được tổ chức thành 02 đợt:
- Đợt 1: vào tháng 11 - 12/2018 tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh, thành phố
- Đợt 2: vào tháng 1 - 2/2019 tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh, thành phố.
(Danh sách các tỉnh, thành xem tại Phụ lục 1 của Quyết định này)
Việc tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella sẽ được thực hiện đồng loạt tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ hoặc các cơ sở y tế… trong một hoặc nhiều đợt theo cụm huyện/xã.
Trước đó, vào tháng 9/2018, Bộ Y tế cũng đã Quyết định 5433/QĐ-BYT về việc triển khai tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi tại 13 tỉnh, thành phố. Nay, Bộ bổ sung thêm 57 tỉnh, thành phố, nâng tổng số địa phương thực hiện Kế hoạch này lên 60/63 tỉnh, thành.
Quyết định được ban hành và có hiệu lực cùng ngày 15/10/2018.
- Thêm một trường hợp được miễn học phí từ năm học 2018 - 2019
Đây là thông tin từ Nghị định 145/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí đến năm 2020 - 2021.
Nghị định mới bổ sung thêm một trường hợp được miễn học phí, bên cạnh 15 trường hợp đã được quy định trước đây tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Cụ thể, từ năm học 2018 - 2019 (tức từ 01/09/2018), miễn học phí đối với trẻ em học mẫu giáo 5 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
Để được miễn học phí, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn đề nghị miễn học phí theo mẫu; Bản sao kèm bản chính sổ hộ khẩu. Trường hợp trẻ em mẫu giáo 05 tuổi được miễn học phí theo quy định nêu trên đồng thời được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP thì chỉ cần nộp Đơn đề nghị miễn học phí.
Nghị định này được Chính phủ ban hành ngày 16/10/2018, có hiệu lực từ 01/12/2018.
- Bảng giá cước gửi thư qua bưu điện mới nhất
Từ ngày 01/12/2018, mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập được áp dụng theo Thông tư 12/2018/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, mức giá cước tối đa dịch vụ thư cơ bản (gồm cả bưu thiếp) trong nước cho lần lượt các nấc khối lượng đến 20g; trên 20g đến 100g; trên 100g đến 250g là 4.000 đồng; 6.000 đồng; 8.000 đồng. Mỗi 250g tiếp theo đến 2000g là 2.000 đồng.
Mức giá cước tối đa cho dịch vụ thư cơ bản từ Việt Nam đi các nước dao động từ 15.000 đồng - 23.000 đồng ở nấc khối lượng 20g tùy thuộc vào quốc gia và vùng lãnh thổ…
Bộ Thông tin và Truyền thông giao Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện:
- Quyết định giá cước dịch vụ bưu chính phổ cập bảo đảm không cao hơn mức giá cước tối đa nêu trên;
- Báo cáo Bộ về giá cước dịch vụ 30 ngày trước khi triển khai dịch vụ;
- Niêm yết, công khai giá cước dịch bưu chính phổ cập theo quy định.
Thông tư này được ban hành ngày 15/10/2018.
- Nhiều sản phẩm máy in cũ bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 11/2018/TT-BTTTT công bố chi tiết Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng cấm nhập khẩu kèm theo mã số HS ngày 15/10/2018.
Theo đó, Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm các sản phẩm như:
- Máy in sử dụng các bộ phận in như khuôn in (bát chữ), trục lăn và các bộ phận in của nhóm 84.42; máy in khác, máy copy (copying machines) và máy fax, có hoặc không kết hợp với nhau; bộ phận và các phụ kiện của chúng;
- Bộ điện thoại, kể cả điện thoại cho mạng di động tế bào hoặc mạng không dây khác; thiết bị khác để truyền hoặc nhận tiếng, hình ảnh hoặc dữ liệu khác;
- Dây điện, cáp điện (kể cả cáp đồng trục) có cách điện (kể cả loại đã tráng men cách điện hoặc mạ lớp cách điện) và dây dẫn có cách điện khác, đã hoặc chưa gắn với đầu nối; cáp sợi quang, làm bằng các bó sợi đơn có vỏ bọc riêng biệt từng sợi…
Riêng máy in kỹ thuật số, máy photocopy kỹ thuật số loại đơn sắc có hoặc không có kết hợp tính năng khác, đã qua sử dụng có tính năng in, copy khổ giấy A0 hoặc có tốc độ in/copy từ 35 bản/phút khổ giấy A4 trở lên và hộp mực cho máy in laser đã qua sử dụng không bị cấm nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 30/11/2018.
- KD vận tải đa phương thức quốc tế phải có tài sản 80.000 SDR
Ngày 16/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức.
Theo đó, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế khi có Giấy phép kinh doanh loại hình này và trên đáp ứng đủ các điều kiện:
- Duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật (SDR là đơn vị tiền tệ quốc tế do Quỹ Tiền tệ Quốc tế phát hành)
- Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
Nếu là doanh nghiệp của các quốc gia là thành viên Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về lĩnh vực này thì chỉ được kinh doanh sau khi có Giấy phép kinh doanh loại hình này trên cơ sở đáp ứng đủ:
- Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh loại hình này hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền nước đó cấp;
- Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 16/10/2018.
- Doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động
Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành ngày 17/10/2018.
Thông tư yêu cầu, doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ cở của mình ít nhất 01 lần trong năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ.
Nội dung tự kiểm tra bao gồm: Việc tuyển dụng và đào tạo lao động; Việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; Việc trả lương cho người lao động; Việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…
Doanh nghiệp phối hợp với đại diện tập thể lao động thực hiện báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Thanh tra Nhà nước về lao động.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
- Liên thông thủ tục đăng ký khai tử và hưởng chế độ tử tuất
Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/10/2018 tại Quyết định 1380/QĐ-TTg.
Việc liên thông các thủ tục hành chính nêu trên sẽ được thực hiện với các trường hợp cụ thể như sau:
- Liên thông thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú:
Được thực hiện trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký khai tử và đăng ký thường trú trên cùng một địa bàn cấp xã hoặc cấp huyện.
- Liên thông thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất:
Được thực hiện trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký khai tử và đăng ký thường trú trên cùng một địa bàn cấp xã hoặc cấp huyện và cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hưởng chế độ tử tuất trên cùng địa bàn cấp tỉnh với cơ quan giải quyết đăng ký khai tử.
- Liên thông thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ mai táng phí:
Được thực hiện trong trường hợp cơ quan đăng ký khai tử và đăng ký thường trú trên cùng địa bàn cấp xã hoặc cấp huyện và thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ hoặc xác nhận bản khai thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí tại cùng một địa bàn cấp xã có thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký khai tử.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 18/10/2018.
- Bổ sung loạt thuốc trừ sâu được sử dụng trong nước
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 13/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 03/2018/TT-BNNPTNT về ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.
Thông tư mới bổ sung thêm các thuốc bảo vệ thực vật vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, trong đó có:
- Thuốc trừ sâu: 121 hoạt chất, 151 tên thương phẩm;
- Thuốc trừ bệnh: 70 hoạt chất, 87 tên thương phẩm;
- Thuốc trừ cỏ: 13 hoạt chất, 18 tên thương phẩm;…
Đồng thời, thêm loạt thuốc bảo vệ thực vật đăng ký chính thức vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam:
- Thuốc trừ sâu: 06 hoạt chất, 08 tên thương phẩm;
- Thuốc trừ bệnh: 07 hoạt chất, 07 tên thương phẩm;
- Thuốc bảo quản nông sản: 01 hoạt chất, 01 tên thương phẩm.
Thông tư này được ban hành ngày 08/10/2018, có hiệu lực từ ngày 22/11/2018
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |