Quản lý dân cư bằng mã số định danh giúp tiết kiệm 1.600 tỷ đồng mỗi năm
Bộ Công an đang dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về lựa chọn quản lý dân cư bằng hộ khẩu hoặc qua mã số định danh cá nhân.

Trong dự thảo, Bộ Công an đưa ra hai phương án quản lý dân cư: 1.Giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay; 2. Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy mà thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với phương án 1, Bộ Công an sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về thủ tục hành chính có liên quan tới giấy tờ công dân. Nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này.

Tuy nhiên, người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình. Nhà nước vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu... 

Nhiều tác động tích cực của quản lý bằng mã số định danh

Đối với phương án  2: Thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú. Nếu giải pháp này được lựa chọn sẽ có những tác động tích cực như sau:

Sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư thông qua việc cập nhật, kết nối từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả.

Hiện nay, công dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận kết hôn, Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe…, thậm chí học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh. Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này, mà chỉ mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.


Theo kết quả hệ thống hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, hiện nay có khoảng 2.705 thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân; trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có khoảng 1.273 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân; có khoảng 70 thủ tục hành chính yêu cầu xuất trình Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh; khoảng 18 thủ tục hành chính yêu cầu Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản sao Giấy chứng nhận kết hôn …Như vậy, nếu quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân và khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình các loại giấy tờ như hiện nay sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính, giấy tờ và giảm được những chi phí mà người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.


Theo tính toán sơ bộ, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây, tạo thuận lợi cho gần 90 triệu người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

Sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử). Thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Có thể lấy ví dụ trong công tác quản lý về bảo hiểm xã hội, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý thông tin của khoảng 72% dân số cả nước, nếu hoàn thiện việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân thì sẽ giảm chi phí trong quản lý về bảo hiểm xã hội; theo đó, mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra, cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả khoảng 10 tỷ đồng để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nếu có số định danh cá nhân thì bảo hiểm xã hội lấy số đó làm căn cứ để cấp luôn. Hiện nay, việc nhập dữ liệu mới phải trả 10.000 đồng/tờ khai. Nếu 30 triệu người phải cấp mới thì sẽ tiêu tốn khoảng 300 tỷ đồng, gây lãng phí rất lớn.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

 

Đang truy cập: 32
Trong ngày: 84
Trong tuần: 1164
Lượt truy cập: 1597099
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com