THUẾ - PHÍ – LỆ PHÍ
- 1. LỆ PHÍ CẤP MỚI GCN ĐĂNG KÝ BÁN HÀNG ĐA CẤP LÀ 400.000 ĐỒNG/GIẤY
Ngày 18/12/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 197/2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định, lệ phí cấp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó nêu rõ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, sửa đổi, bổ sung và gia hạn GCN đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải nộp phí thẩm định; khi được cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn GCN thì phải nộp lệ phí theo quy định.
Trong đó, mức thu phí thẩm định cấp mới, gia hạn và thẩm định sửa đổi, bổ sung GCN đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp lần lượt là 05 triệu đồng/lần thẩm định và 03 triệu đồng/lần thẩm định. Mức thu lệ phí cấp mới, gia hạn GCN đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 400.000 đồng/giấy và mức thu lệ phí sửa đổi, bổ sung, cấp lại GCN đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 200.000 đồng/giấy.
Doanh nghiệp có thể nộp phí, lệ phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cơ quan thu phí, lệ phí hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan thu phí, lệ phí mở tại Kho bạc Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2015.
LAO ĐỘNG – TIỀN LƯƠNG – PHỤ CẤP
- 2. HỖ TRỢ 1 TRIỆU/THÁNG HỌC NGHỀ CHO LAO ĐỘNG ĐÃ ĐÓNG BHTN
Đây là nội dung quy định tại Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Cụ thể, từ ngày 01/01/2015, sẽ áp dụng chung mức hỗ trợ học nghề tối đa 01 triệu đồng/người/tháng cho người lao động tham gia BHTN thay vì mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa đối với các khóa học nghề đến 03 tháng và tối đa 600.000 đồng/người/tháng đối với các khóa học nghề trên 03 tháng như trước đây.
Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề, thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề. Riêng đối với những lao động tham gia khóa học nghề có chi phí cao hơn mức hỗ trợ nêu trên, phần vượt quá người lao động tự chi trả.
Trường hợp lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trước ngày 01/01/2015 và có nhu cầu học nghề sau ngày 01/01/2015 vẫn được áp dụng mức hỗ trợ nêu trên.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2015.
- 3. THUYỀN VIÊN ĐƯỢC NGHỈ HƯỞNG NGUYÊN LƯƠNG TỐI THIỂU 30 NGÀY/NĂM
Theo Nghị định số 121/2014/NĐ-CP ngày 24/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết về một số điều của Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển, thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam hoặc tàu biển nước ngoài hoạt động tại cảng biển Việt Nam được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, Tết, hưởng nguyên lương; đồng thời, nghiêm cấm mọi thỏa thuận để thuyền viên không được nghỉ hàng năm. Trong đó, số ngày nghỉ hàng năm được tính tối thiểu 2,5 ngày cho mỗi tháng làm việc (tương đương 30 ngày mỗi năm); ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không tính vào số ngày nghỉ hàng năm.
Về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, Chính phủ quy định, thời giờ làm việc được bố trí theo ca và duy trì 24 giờ liên tục trong ngày, kể cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, Tết. Thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu là 10 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ bất kỳ và 77 giờ trong 07 ngày bất kỳ; số giờ nghỉ ngơi trong khoảng thời gian 24 giờ có thể được chia tối đa thành 02 giai đoạn, một trong hai giai đoạn đó ít nhất phải kéo dài 06 giờ và khoảng thời gian giữa hai giai đoạn nghỉ liên tiếp không được quá 14 giờ. Trường hợp khẩn cấp đối với an ninh, an toàn của tàu, người, hàng hóa trên tàu, giúp đỡ tàu khác hoặc cứu người bị nạn trên biển, thuyền trưởng có quyền yêu cầu thuyền viên làm bất kỳ thời điểm nào; sau khi hoàn thành nhiệm vụ khẩn cấp, thuyền viên đó sẽ được bố trí nghỉ ngơi đủ thời gian theo quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng có quy định chi tiết về việc chăm sóc sức khỏe cho thuyền viên trên tàu và trên bờ. Theo đó, thuyền viên phải được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, kịp thời và miễn phí trong thời gian làm việc trên tàu biển và tại cảng nước ngoài khi tàu ghé vào. Đồng thời, chủ tàu cũng phải bố trí ít nhất 01 bác sĩ nếu trên tàu có từ 100 người trở lên và thực hiện chuyến đi quốc tế dài hơn 03 ngày. Đối với tàu biển có dưới 100 người, không có bác sĩ, phải bố trí ít nhất 01 thuyền viên chịu trách nhiệm chăm sóc y tế và quản lý thuốc hoặc 01 thuyền viên có khả năng sơ cứu y tế...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2015.
- 4. TĂNG THỜI HIỆU GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ LAO ĐỘNG LÊN 180 NGÀY
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định số 119/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo.
Nghị định quy định thời hiệu khiếu nại về lao động lần đầu là 180 ngày (trước đây là 90 ngày), kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân dạy nghề, của tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị khiếu nại; thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định đó. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu này vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì trở ngại khách quan thì thời gian này không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Ngoài ra, Nghị định này cũng mở rộng thêm quyền cho người khiếu nại. Cụ thể, người khiếu nại được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại; trừ những thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại; được đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó; yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại…
Đặc biệt, Nghị định đã điều chỉnh thủ tục thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu; trong đó quy định thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; trong khi đó, thời hạn này trước đây là 10 ngày làm việc. Tuy nhiên, thời hạn giải quyết khiếu nại vẫn được giữ nguyên là 30 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, với những vụ việc phức tạp thì không quá 45 ngày.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2015.
TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG – TÍN DỤNG
- 5. DOANH NGHIỆP ĐẦU MỐI XĂNG DẦU ĐƯỢC VAY NGOẠI TỆ ĐẾN HẾT 2015
Ngày 25/12/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 43/2014/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, quyết định kéo dài thời hạn cho vay vốn bằng ngoại tệ đối với doanh nghiệp (DN) đầu mối nhập khẩu xăng dầu đến hết ngày 31/12/2015 thay vì thời hạn đến hết năm 2014 như quy định trước đây.
Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cho vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2015 để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; việc cho vay này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2015.
Các DN xuất khẩu sẽ được xem xét cho vay ngoại tệ ngắn hạn đến hết năm 2015 để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét quyết định cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay...
Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 29/2013/TT-NHNN ngày 06/12/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.
XUẤT NHẬP KHẨU
- 6. 36 PHẾ LIỆU ĐƯỢC PHÉP NHẬP KHẨU LÀM NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT
Ngày 19/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Danh mục bao gồm 36 loại phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó có thạch cao; xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng, hoặc các dạng tương tự; thủy tinh vụn và thủy tinh phế liệu, mảnh vụn khác; thủy tinh ở dạng khối; tơ tằm phế liệu, kể cả kén không thích hợp để quay tơ, xơ sợi phế liệu và xơ sợi tái chế; đồng, nhôm phế liệu và mảnh vụn...
Quyết định này không áp dụng đối với hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh phế liệu qua lãnh thổ Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 05/02/2015.
Y TẾ - SỨC KHỎE
- 7. QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THANH TRA Y TẾ
Ngày 25/12/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra y tế, thay thế Nghị định số 77/2006/NĐ-CP ngày 03/08/2006.
Theo đó, ngoài các cơ quan thanh tra Nhà nước cấp Trung ương và cấp tỉnh như trước đây (tức Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Sở Y tế), từ ngày 27/02/2015, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra y tế còn bao gồm: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Cục Quản lý Dược; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục Quản lý Môi trường y tế; Cục Y tế dự phòng; Cục An toàn thực phẩm; Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Các Cục, Tổng cục này có nhiệm vụ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành như: Xây dựng kế hoạch, thanh tra hàng năm thuộc phạm vi được giao, gửi Thanh tra Bộ Y tế tổng hợp, trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra sau khi được phê duyệt; phối hợp với Thanh tra Sở Y tế trong việc hướng dẫn Chi cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm; phối hợp Thanh tra Sở Y tế theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của các Chi cục được giao... Việc thanh tra chuyên ngành phải được tiến hành theo đoàn thanh tra hoặc do thanh tra viên, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành độc lập và phải tuân theo các quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành.
Cũng theo Nghị định này, công chức thanh tra chuyên ngành phải là công chức thuộc biên chế của Tổng cục, các Cục và Chi cục thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; khi tiến hành thanh tra, công chức thanh tra chuyên ngành được xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo người có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/02/2015.
GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO – DẠY NGHỀ
- 8. BỎ YÊU CẦU KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN MẦM NON LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Theo Nghị định số 124/2014/NĐ-CP ngày 29/12/2014 của Chính phủ sửa đổi khoản 6 Điều 31 Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/09/2012 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, từ ngày 16/02/2015, giáo viên là người nước ngoài dạy tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục phổ thông sẽ không bắt buộc phải có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy như trước đây.
Ngoài ra, Nghị định cũng khẳng định, giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài, ngoài việc phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm, còn phải có bằng tốt nghiệp đại học phù hợp với chuyên ngành giảng dạy trở lên nếu liên kết đào tạo trình độ cao đẳng; bằng thạc sĩ đối với liên kết đào tạo trình độ đại học hoặc bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, sư phạm kỹ thuật hay bằng tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành giảng dạy và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm hoặc tương đương (trường hợp liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề)...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/02/2015.
KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ
- 9. BỔ SUNG 14 CÔNG NGHỆ CẤM CHUYỂN GIAO VÀO VIỆT NAM
Ngày 17/12/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, quyết định bổ sung thêm 14 công nghệ cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, từ ngày 01/02/2015, số công nghệ cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam là 30 công nghệ, thay vì 16 công nghệ như trước đây, bao gồm: Công nghệ sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng quy mô nhỏ; công nghệ sản xuất xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 2; công nghệ sản xuất động cơ hai kỳ dùng cho xe cơ giới; công nghệ sản xuất ti vi, máy tính cá nhân sử dụng tia điện tử để tạo hình ảnh theo công nghệ analog; công nghệ sản xuất phân bón hỗn hợp NPK theo phương pháp thủ công (chảo quay, trộn thô); công nghệ sử dụng các loài sinh vật phi bản địa bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật thuộc Danh mục các loài ngoại lai xâm hại...
Số công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam cũng tăng từ 11 công nghệ lên 23 công nghệ từ ngày 01/02/2015. Trong đó, đáng chú ý là những công nghệ như: Công nghệ sản xuất ván sợi theo phương pháp ướt; công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa thạch tín; công nghệ in tráng phim sử dụng hóa chất độc hại; công nghệ sản xuất trang sức đồ gỗ, lâm sản chứa lưu huỳnh hoặc tồn tại hợp chất hữu cơ bay hơi hàm lượng cao và công nghệ sản xuất xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 3...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2015.
THÔNG TIN – TRUYỀN THÔNG
10. THU HỒI THUÊ BAO DI ĐỘNG PHÁT TÁN TIN NHẮN RÁC
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT ngày 24/12/2014 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội dung một cách hiệu quả; tăng cường theo dõi giám sát phát hiện thuê bao di động trả trước phát tán tin nhắn rác và thực hiện ngăn chặn, thu hồi ngay khi phát hiện thuê bao vi phạm.
Đồng thời, phải tăng cường rà soát, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin hợp tác với mình; trường hợp phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung cấp dịch vụ có nội dung không lành mạnh, nội dung vi phạm pháp luật thì phải chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông để theo dõi và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, để tránh thiệt hại cho người sử dụng, Bộ trưởng khẳng định các doanh nghiệp viễn thông di động phải triển khai các đợt nhắn tin tới tất cả các thuê bao thuộc mạng của mình theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống tin nhắn rác, lừa đảo và thông báo cho người sử dụng về các vụ việc tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo có quy mô rộng rãi và có tính chất nghiêm trọng. Đối với các tin nhắn quảng cáo cho dịch vụ nội dung, phải đảm bảo có đầy đủ thông tin về giá cước và hướng dẫn hủy dịch vụ.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, trò chơi điện tử trên mạng và các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử được yêu cầu thiết lập cơ chế cảnh báo tự động (hiển thị bắt buộc) tới người sử dụng ngay khi vừa đăng nhập để sử dụng về các hình thức, dấu hiệu tin nhắn lừa đảo, thông tin lừa đảo trên môi trường mạng xã hội, trong các trò chơi điện tử trên mạng; hướng dẫn người sử dụng cách xử lý và thông báo vi phạm đến doanh nghiệp khi phát hiện tin nhắn lừa đảo, thông tin không lành mạnh và vi phạm pháp luật...
VĂN HÓA – THỂ THAO – DU LỊCH
11. NGHỆ NHÂN ƯU TÚ PHẢI CÓ TỐI THIỂU 15 NĂM HOẠT ĐỘNG TRONG NGHỀ
Đây là một trong những tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú được nêu tại Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2015.
Ngoài việc có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên, để được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, cá nhân còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù; trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 10 sản phẩm, tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật cao; đã có tác phẩm, sản phẩm được trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, di tích lịch sử, các sự kiện lớn của đất nước hoặc được chọn làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mỹ thuật, dạy nghề...
Đối với danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Chính phủ nhấn mạnh, danh hiệu được xét tặng cho cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và đạt các tiêu chuẩn như: Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên; nắm giữ kỹ năng, bí quyết, truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên trừ trường hợp nghề đặc thù hoặc đã đào tạo 01 cá nhân được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; đã trực tiếp thiết kế, chế tác được 02 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, mỹ thuật, đạt giải thưởng hoặc được cấp chứng nhận đạt thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức.
Nghệ nhân đã được xét tặng danh hiệu sẽ được nhận Huy hiệu, Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng kèm theo từng danh hiệu; đồng thời, phải tích cực giữ gìn, truyền nghề, dạy nghề và không ngừng hoàn thiện kỹ năng, kỹ xảo nghề của mình...
AN NINH TRẬT TỰ
12. ĐẨY MẠNH MÔ HÌNH CAI NGHIỆN TỰ NGUYỆN
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, ngày 26/12/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, yêu cầu các Bộ, ngành và đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai các mô hình điều trị tại các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi đối với cai nghiện tự nguyện và chú trọng điều trị ngoại trú.
Đối với cai nghiện bắt buộc, Chính phủ yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, bảo đảm các quy định về chế độ chăm sóc y tế, khám chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, dạy nghề và sinh hoạt văn hóa nhằm đáp ứng quyền, lợi ích hợp pháp của người cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Trường hợp địa phương chưa có cơ sở cai nghiện bắt buộc thì chuyển người nghiện có quyết định của Tòa án đến địa phương lân cận để tiếp nhận.
Các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Trung tâm 06) hiện có cũng sẽ được chuyển đổi thành các cơ sở điều trị nghiện ma túy với các mô hình khác nhau, gồm: Cơ sở điều trị nghiện tự nguyện; cơ sở xã hội; cơ sở đa chức năng và cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong đó, việc chuyển đổi phải bảo đảm về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự, chế độ điều trị, chăm sóc y tế, ăn, ở, sinh hoạt, học nghề, lao động trị liệu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; bảo đảm 100% người nghiện ma túy khi có Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thi hành kịp thời, thuận tiện và hiệu quả; thực hiện công khai, minh bạch, thuận tiện, dễ tiếp cận các dịch vụ điều trị nghiện ma túy...
CHÍNH SÁCH KIH TẾ - XÃ HỘI
13. HỖ TRỢ TIỀN ĐIỆN 46.000 ĐỒNG /THÁNG CHO HỘ NGHÈO, HỘ CHÍNH SÁCH
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 190/2014/TT-BTC ngày 11/12/2014 quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, quyết định hỗ trợ 46.000 đồng tiền điện sinh hoạt hàng tháng cho mỗi hộ từ ngày 01/06/2014.
Mức hỗ trợ này tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành và được chi trả trực tiếp theo hình thức hỗ trợ bằng tiền từng quý đến hộ nghèo và hộ chính sách xã hội. Trường hợp có thay đổi về giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh kịp thời mức hỗ trợ tiền điện hàng tháng.
Kinh phí thực hiện chính sách này được đảm bảo theo nguyên tắc sau: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi; hỗ trợ 50% kinh phí cho các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương dưới 50%. Đối với những địa phương còn lại, ngân sách địa phương tự đảm bảo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/01/2015.
CÔNG NGHIỆP
14. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG GIÁ HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN
Ngày 19/12/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 56/2014/TT-BCT quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện, áp dụng đối với các đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện đầu nối với hệ thống điện quốc gia có tổng công suất đặt trên 30MW hoặc các nhà máy phát điện có công suất thấp hơn nhưng tự nguyện tham gia thị trường điện (bên bán) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (bên mua).
Theo hướng dẫn của Thông tư này, giá hợp đồng mua bán điện do hai bên thỏa thuận nhưng phải được xây dựng trên cơ sở chủ đầu tư (tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư dự án nhà máy điện) chi trả các khoản chi phí hợp lý toàn bộ đời sống kinh tế dự án; tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính không vượt quá 12% và giá được tính bằng đồng/kWh. Giá hợp đồng mua bán điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn (đối với nhà máy nhiệt điện); chi phí đầu tư đường dây truyền tải và các khoản thuế, phí khác…
Về thời hạn của hợp đồng mua bán điện, Thông tư này quy định đối với các nhà máy điện đang có nghĩa vụ trả các khoản nợ dài hạn cho đầu tư xây dựng Nhà máy điện, hợp đồng mua bán điện có thời hạn kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến sau ngày kết thúc hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh hoặc sau 10 năm kể từ ngày vận hành thương mại của nhà máy điện và không bao gồm thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng. Đối với các nhà máy điện không có nghĩa vụ trả các khoản nợ dài hạn cho đầu tư xây dựng nhà máy điện, thời hạn hợp đồng kéo dài đến khi kết thúc hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh.
Thông tư cũng yêu cầu bên bán phải cam kết đảm bảo các mốc thời gian thực hiện dự án; trước ngày 05 của tháng đầu tiên của quý, bên bán phải lập và gửi cho bên mua báo cáo tiến độ xây dựng nhà máy điện kèm theo bản sao hợp lệ các tài liệu liên quan để chứng minh tiến độ, đánh giá tiến độ so với các cam kết trước đó và đề xuất giải pháp để đảm bảo các mốc thời gian thực hiện dự án.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2015.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |