Đề xuất quy định mới về họ, hụi, biêu, phường
Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường.

Bộ Tư pháp cho biết, Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) được ban hành trên cơ sở quy định tại Điều 479 Bộ luật Dân sự năm 2005 với các quy định ghi nhận tập quán tốt đẹp, tương thân tương ái trong đời sống nhân dân. Trải qua hơn 12 năm thi hành, Nghị định đã góp phần xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm thực hiện quyền dân sự của người dân trong xác lập, thực hiện các quan hệ về vay tài sản nói chung và về họ nói riêng.

Đến nay, bên cạnh quy định của Nghị định số 144/2006/NĐ-CP, Bộ luật Dân sự năm 2015, quan hệ về họ còn được điều chỉnh gián tiếp bởi Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội (Điều 175 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Điều 201 về tội cho vay lãi nặng); các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, như: Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (quy định hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay)…  Trong công tác xét xử của ngành Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao tuy không ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về họ nhưng đã có Công văn số 40/KHXX ngày 06/04/2007 về hướng dẫn thụ lý giải quyết tranh chấp về họ, hụi, biêu, phường.

Theo Bộ Tư pháp, về cơ bản, các văn bản pháp luật điều chỉnh về họ đã đáp ứng được yêu cầu về cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ liên quan. Góp phần tạo hành lang pháp lý an toàn hơn cho người dân trong các giao dịch về họ; tôn trọng, phát huy các giá trị văn hóa, tập quán tốt đẹp về sự tương thân, tương trợ lẫn nhau trong huy động vốn, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân; góp phần hạn chế tình trạng cho vay lãi nặng và đẩy lùi các tệ nạn xã hội khác liên quan.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức họ ngày càng đa dạng, phức tạp. Một số nơi việc chơi họ phát triển với quy mô lớn, có tính chất phức tạp và bị biến tướng thành hình thức huy động vốn, cho vay lãi nặng. Nhiều trường hợp chủ họ đã lợi dụng lòng tin của những người tham gia họ để chiếm đoạt tài sản; thực tế đã xảy ra một số các vụ việc vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức. Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như: (1) Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về họ còn chưa hiệu quả; (2) Nội dung Nghị định số 144/2006/NĐ-CP đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định như quy định về người tham gia họ, hình thức thỏa thuận họ, sổ họ, cơ chế kiểm soát họ, lãi suất họ… dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong công tác thi hành pháp luật; (3) Công tác quản lý, nắm bắt tình hình xã hội tại các địa phương còn bất cập; (4) Hiểu biết, ý thức tự bảo vệ quyền lợi của chính những người tham gia quan hệ họ còn hạn chế; (5) Các loại hình tổ chức tài chính vi mô chưa phát triển, chưa tiếp cận đến người dân.

Trong bối cảnh Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 với nhiều quy định mới về địa vị pháp lý của chủ thể; về việc xác lập, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự; về các giao dịch dân sự; về đại diện; về nghĩa vụ và hợp đồng; về lãi suất trong hợp đồng vay, trong đó chế định hợp đồng vay tài sản đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản đã đặt ra yêu cầu xây dựng văn bản mới thay thế Nghị định 144/2006/NĐ-CP.

Do đó, Bộ Tư pháp đã đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 144/2006/NĐ-CP; cụ thể hóa những quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2015 về chủ thể, giao dịch vay tài sản nói chung và quy định về họ tại Điều 471 nói riêng nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; tạo khung pháp lý chặt chẽ, đúng nguyên tắc của pháp luật dân sự nhằm phát huy tính tích cực của họ trong việc thể hiện tính nhân văn, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp; đồng thời ngăn ngừa tiêu cực, lợi dụng đã phát sinh trong thời gian qua.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 15
Trong ngày: 255
Trong tuần: 1294
Lượt truy cập: 1597873
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com