- Hướng dẫn bàn giao khoản nợ vay giữa các chủ tàu
Thông tư 22/2014/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 67/2014/NĐ-CP về phát triển thủy sản đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 12/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 27/04/2018.
Một trong những điểm mới của Thông tư 12 là quy định về cơ chế bàn giao khoản nợ vay giữa các chủ tàu. Theo đó, chủ tàu cũ không đủ khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động thì được bàn giao khoản nợ vay cho chủ tàu mới.
Chủ tàu mới nhận bàn giao toàn bộ khoản nợ vay, bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng trước thời điểm bàn giao. Việc hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Ngân hàng thương mại, chủ tàu cũ và chủ tàu mới ký thỏa thuận bàn giao nợ, trong đó nêu rõ dư nợ vay, số tiền lãi phát sinh (nếu có), thời gian vay vốn, tài sản bảo đảm của khoản nợ vay, quyền hạn, nghĩa vụ của các bên.
Chủ tàu mới và ngân hàng ký kết thỏa thuận cho vay và hợp đồng bảo đảm tiền vay theo quy định. Thời gian hỗ trợ lãi suất do ngân hàng và chủ tàu mới thỏa thuận nhưng không vượt quá thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất còn lại sau khi trừ đi thời gian vay vốn hỗ trợ lãi suất của chủ tàu cũ tại thời điểm bàn giao nợ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.
- Hỗ trợ đến 50 triệu đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 29/2018/TT-BTC về việc hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Các doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/thương hiệu để quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và được hỗ trợ tối đa 70 triệu đồng/chuyên đề tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ.
Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tối đa 70% các khoản chi phí: Tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ tối đa 12 triệu/1 đơn vị tham gia tổ chức hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ trong nước; Hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng/đơn vị tham gia tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ tại nước ngoài.
Tố chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài khi đoàn chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ có tối thiểu 07 doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ tối đa 28 triệu/1 đơn vị tham gia giao dịch, xúc tiến đầu tư tại khu vực châu Á, 42 triệu/đơn vị tham gia giao dịch tại khu vực châu Âu, châu Phi, châu Úc, Bắc Mỹ, Tây Á…
Thông tư này được ban hành ngày 28/03/2018, có hiệu lực từ ngày 11/05/2018.
- Hà Nội sẽ thu hồi nhà dưới 15m2 để phục vụ công cộng
Ngày 24/4/2018, UBND Thành phố Hà Nội đã ra Công văn 1758/UBND-ĐT về việc xử lý các trường hợp không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phát sinh khi thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch tồn đọng cũ trước năm 2005.
Tại Công văn này, UBND Thành phố nhấn mạnh:
- Lập hồ sơ thu hồi phục vụ vào mục đích công cộng đối với các trường hợp không đủ điều kiện để tồn tại (Diện tích dưới 15m2 mà không hợp khối được với công trình lân cận) và các trường hợp sau 30 ngày không thực hiện được việc hợp thửa, hợp khối.
- Giữ nguyên trạng, hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề và xung quanh hoặc cấp phép có điều kiện đảm bảo an toàn không gây phản cảm đối với các trường hợp công trình nằm đan xen với công trình xung quanh, người dân đã tự cải tạo chỉnh trang trên cơ sở giữ nguyên trạng cũ, đã ăn ở mưu sinh nhiều năm...
- Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
- Phải khai đúng tên hàng hóa khi thuê vận chuyển trên đường sắt
Quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia đã được Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 02/05/2018 tại Thông tư 22/2018/TT-BGTVT.
Theo đó, người thuê vận tải có trách nhiệm kê khai đúng tên hàng hóa theo yêu cầu của doanh nghiệp. Trường hợp là hàng nguy hiểm thì phải ghi đúng tên gọi trong Danh mục hàng nguy hiểm vận tải bằng đường sắt. Người thuê vận tải phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra do kê khai không đúng tên hàng hóa.
Về thứ tự ưu tiên trong vận tải hàng hóa, hàng hóa cùng nhận được vào một thời điểm thì ưu tiên: Hàng nguy hiểm; thi hài, hài cốt; Động vật sống, hàng mau hỏng, hàng nhanh giảm trọng lượng; Các loại hàng hóa khác không thuộc loại quy định trên do doanh nghiệp quy định.
Chậm nhất 02 giờ trước giờ cấp toa xe, doanh nghiệp phải thông báo cho người thuê vận tải về số lượng, số hiệu của toa xe đưa vào đường xếp dỡ hoặc địa điểm giao tiếp. Khi hợp đồng khai thác đường nhánh, đường chuyên dùng có quy định giờ cấp xe hàng ngày thì doanh nghiệp không cần phải thông báo.
Hàng hóa coi như bị mất mát nếu quá kỳ hạn vận chuyển với thời hạn sau mà doanh nghiệp chưa báo tin hàng đến: 15 ngày đối với hàng hóa thông thường; 04 ngày đới với hàng hóa mau hỏng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.
- Chấn chỉnh tình trạng học sinh, sinh viên đánh bạc qua mạng
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra Công văn 1779/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 07/05/2018 về việc phòng, tránh học sinh, sinh viên tham gia cá độ, đánh bạc qua mạng.
Tại Công văn, Bộ nhận định thời gian gần đây xảy ra tình trạng một số học sinh, sinh viên đánh bạc qua mạng có xu hướng gia tăng dẫn đến nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Để khắc phục tình trạng này, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện các nhiệm vụ:
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhà giáo, cán bộ, quản lý, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên trong việc phòng, tránh, tố giác các hành vi vi phạm về cá độ, đánh bạc qua mạng thông qua việc tổ chức Tuần sinh hoạt công dân – Học sinh, sinh viên.
- Thường xuyên kiểm tra, rà soát, nắm bắt thông tin về đối tượng học sinh, sinh viên có biểu hiện bất thường để phối hợp với gia đình, tổ chức đoàn thể và các cơ quan chức năng của địa phương có giải pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.
- Các trường đại học, cao đẳng phải báo cáo đột xuất khi có các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp xảy ra.
- Chi 45.000 tỷ cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm
Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (tên tiếng Anh là: One commune one product, gọi tắt là Chương trình OCOP) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 07/05/2018 theo Quyết định 490/QĐ-TTg.
Tổng kinh phí thực hiện các đề án thuộc Chương trình OCOP dự kiến khoảng 45.000 tỷ đồng. Theo đó, sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm. Triển khai thực hiện từ 8 - 10 mô hình Làng văn hóa du lịch. Phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.
Phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 06 nhóm, bao gồm:
- Thực phẩm, gồm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến;
- Đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn, đồ uống không cồn;
- Thảo dược, gồm: Các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu;
- Vải và may mặc, gồm: Các sản phẩm làm từ bông, sợi;
- Lưu niệm - nội thất - trang trí, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may… làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng;
- Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, gồm: Các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiêm cứu…
Đồng thời, sẽ xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm, trong đó có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Chương trình OCOP và xếp hạng sản phẩm gồm 05 hạng sao.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
- Đã có Nghị quyết hướng dẫn tha tù trước thời hạn
Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 24/04/2018.
Một trong những nội dung được hướng dẫn tại Nghị quyết này là điều kiện rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn. Theo đó, đối tượng này được rút ngắn thời gian thử thách nếu đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian thử thách; Có nhiều tiến bộ trong thời gian thử thách như: Tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm; lập thành tích trong sản xuất… được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng.
ề mức rút ngắn thời gian thử thách, mỗi năm người được tha tù trước thời hạn được xem xét, rút ngắn thời gian thử thách 1 lần từ 03 tháng – 02 năm; nếu thời gian thử thách còn dưới 03 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.
Ngoài hướng dẫn về về việc rút ngắn thời gian thử thách, Nghị quyết này còn hướng dẫn cụ thể về điều kiện tha tù trước thời hạn đối với chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; về tội phạm ít nghiêm trọng và tha tù trước thời hạn đối với người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 09/06/2018.
- Nhiều ưu đãi với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư
Ngày 04/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tác công tư, trong đó quy định nhiều ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hình thức này.
Cụ thể, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiêp; Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện thực án được hưởng ưu đãi theo quy định về thuế xuất, nhập khẩu.
Ngoài ra, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án còn được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn hoặc được giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định về đất đai cùng các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
Đáng chú ý, Nghị định quy định giá, phí hàng hóa dịch vụ và các khoản thu từ dự án đối tác công tư phải đảm bảo lợi ích của 03 bên: Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án – Người sử dụng – Nhà nước, tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận.
Khi điều chỉnh giá, phí và các khoản thu, doanh nghiệp dự án phải thông báo trước 30 ngày cho các đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 19/06/2018
- Sắp có loạt Nghị định, Thông tư mới lĩnh vực giao thông vận tải
Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 của Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện theo Quyết định 901/QĐ-BGTVT ngày 03/05/2018.
Theo đó, trong năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây dựng nhiều Nghị định quan trọng, trong đó có: Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới; Nghị định quy định về vận tải đa phương thức; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải…
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Thông tư về cấp, đổi, thu hồi đăng ký, biển số xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ; Thông tư ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm…
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
- 4 trường hợp phải xét nghiệm HIV định kỳ
Theo Hướng dẫn quốc gia xét nghiệm HIV được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 2674/QĐ-BYT ngày 27/04/2018, việc xét nghiệm HIV được thực hiện bằng các phương pháp chính như: Phương pháp xét nghiệm huyết thanh học; Xét nghiệm sinh học phân tử.
Đáng chú ý, Hướng dẫn này quy định 04 trường hợp phải xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng/lần, gồm:
- Nhóm quần thể hành vi nguy cơ cao
- Người có bạn tình nhiễm HIV
- Bệnh nhân nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Người dự phòng sau phơi nhiễm và trước phơi nhiễm
Tại Hướng dẫn, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các trường hợp nghi ở giai đoạn cửa sổ nên xét nghiệm lại trong vòng 03 tháng và không khuyến cáo xét nghiệm lại HIV cho các bệnh nhân đã và đang điều trị ARV.
Riêng trong trường hợp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV, cần tiến hành xét nghiệm HIV lại sau 3 - 6 tháng.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
- Bộ GDĐT chỉ đạo rà soát các trung tâm ngoại ngữ
Hôm nay (09/05), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Công văn 1838/BGDĐT-GDTXvề tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học.
Tại Công văn này, Bộ yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng thực hiện nghiêm túc một số nội dung:
- Rà soát, đánh giá tổng thể về hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học và trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn; Thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định về thành lập, cấp phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của các trung tâm này.
- Công bố công khai thông tin về danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn đã được cấp phép hoạt động; Công khai thông tin về danh sách học viên được cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trên trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Thông tin phải được cập nhật thường xuyên.
- Các sở, trường phải thực hiện những nội dung trên và gửi báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 25/05/2018.
- Tổ chức tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1
Ngày 08/05/2018, Văn phòng Chính phủ đã phát đi Công văn 4208/VPCP-CNgửi Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về việc tổ chức Chương trình tặng mũ bảo hiểm cho học sinh bước vào lớp 1 năm học 2018 - 2019.
Theo Công văn này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý giao Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức buổi Chương trình tặng mũ bảo hiểm cho học sinh bước vào lớp 1 năm học 2018 - 2019 như kế hoạch mà Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia xây dựng.
Thời gian tổ chức sau ngày 15/06/2018.
- Thẻ bảo hiểm y tế sẽ được gắn chip
Thông tin này được đề cập tại Công văn 4173/VPCP-KSTT về việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử được Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 09/05/2018.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cấp, quản lý và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử.
Thẻ bảo hiểm y tế phải có gắn chip với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Trước đó tại Công văn 384/BHXH-CSXH ngày 30/01/2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt ra mục tiêu triển khai thực hiện thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế điện tử thay cho sổ và thẻ bảo hiểm y tế giấy trong năm 2018.
- Giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo có thể bị nghỉ việc
Trước tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội trong thời gian, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.
Tại Chỉ thị này, Bộ yêu cầu như sau:
Xử lý nghiêm giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo
- Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm.
- Tùy theo mức độ vi phạm, giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo phải tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng làm việc.
Tập huấn kĩ năng “mềm” cho giáo viên
- Phối hợp với các trường sư phạm xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra.
- Các trường sư phạm rà soát, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập để rèn luyện kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm.
Giáo viên phải tự ý thức giữ gìn hình ảnh
- Giáo viên, nhân viên và người lao động phải nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng; khắc phục tình trạng quản lý, giáo dục “quyền uy”, áp đặt đối với học sinh. Đặc biệt, giáo viên phải tự ý thức và trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự “người thân”; luôn tự soi, tự sửa.
Chỉ thị này được ban hành ngày 07/05/2018.
- Hương ước không được đặt ra các khoản lệ phí, tiền phạt
Quyết định 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 08/05/2018, có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.
Định nghĩa hương ước
Hương ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Nguyên tắc xây dựng hương ước
Việc xây dựng hương ước phải đảm bảo các nguyên tắc:
- Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất;
- Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới;
- Bảo đảm tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư, phát huy quyền làm chủ của nhân dân;
- Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Lấy ý kiến xây dựng hương ước
- Dự thảo hương ước trước khi đưa ra cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn, biểu quyết thông qua phải được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, bảng tin công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng thuận tiện để mọi người tìm hiểu và góp ý.
- Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố phải tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân trong thôn, tổ dân phố về dự thảo hương ước
- Hương ước được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành.
- Laptop, Máy tính bảng có khả năng gây mất an toàn
Ngày 08/05/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 04/2018/TT-BTTTT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.
Thông tư quy định 02 Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn:
- Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc công bố hợp quy: Máy tính cá nhân để bàn; Máy tính bảng; Máy tính xách tay; Máy tính chủ; Thiết bị chuyển mạch; Thiết bị tường lửa; Thiết bị cổng; Pin Lithium cho máy tính xách tay, điện thoại di động, máy tính bảng…
- Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy: Thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất công cộng; Thiết bị vi ba số; Máy phát hình kỹ thuật số DVB-T2; Thiết bị phát, thu phát vô tuyến cự ly ngắn dùng cho mục đích chung…
Thêm vào đó, Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ soát xét, sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.
- Để chung thức ăn chăn nuôi với phân bón bị phạt đến 5 triệu
Ngày 07/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Nghị định này quy định một số mức phạt như sau:
- Phạt từ 02 – 03 triệu đồng đối với cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản không có giải phòng chống chuột, chim và động vật gây hại; Không có thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo hướng dẫn của nhà cung cấp.
- Phạt từ 03 – 05 triệu đồng đối với cơ sở mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản để chung thức ăn chăn nuôi, thủy sản với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoặc các hóa chất độc hại khác;
- Phạt từ 05 – 10 triệu đồng đối với cơ sở nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản không có hoặc không thuê kho bảo quản thức ăn chăn nuôi, thủy sản đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo quản đảm bảo chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường và khuyến cáo của nhà sản xuất.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 22/06/2018.
- Ưu tiên tuyển dụng viên chức với người đã ký hợp đồng lâu năm
Nghị quyết 54/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2018 đã được Chính phủ ban hành ngày 10/05/2018.
Nội dung nổi bật của Nghị quyết này là hướng dẫn xử lý trường hợp tuyển dụng thừa viên chức so với chỉ tiêu được giao. Theo đó, trong trường hợp này, Chính phủ yêu cầu các địa phương phải đánh giá, rà soát lại, thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong địa bàn huyện tỉnh, nếu không thể bố trí được thì tinh giản biên chế.
Đối với trường hợp ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ, nếu còn chỉ tiêu biên chế thì thực hiện tuyển dụng vào viên chức; ưu tiên với người đã ký hợp đồng lâu năm, có năng lực, phù hợp với vị trí cần tuyển dụng. Sau khi đã tuyển dụng đủ số chỉ tiêu được giao vẫn dôi dư thì phải thực hiện chấm dứt hợp đồng.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tinh giản biên chế đúng lộ trình; giảm biên chế gián tiếp, giảm số lượng lãnh đạo, quản lý, ưu tiên biên chế làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện hợp đồng viên chức có thời hạn với trường hợp tuyển dụng mới.
- Gia hạn miễn thị thực cho công dân 5 nước
Đây là một trong những nội dung được tổng hợp trong Nghị quyết số 54/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 04/2018, được Chính phủ ban hành ngày 10/05/2018.
Theo đó, Chính phủ quyết định gia hạn 03 năm kể từ ngày 01/07/2018 đến hết ngày 30/06/2021 về việc miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước: Anh, Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Liên quan đến sự thay đổi này, Chính phủ chủ trương xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu hướng dẫn xử lý trường hợp tuyển dụng thừa viên chức so với chỉ tiêu được giao; Ưu tiên tuyển dụng viên chức với người đã ký hợp đồng lâu năm.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |