Đề xuất về thủ tục hải quan thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS).

Bộ Tài chính cho biết, ngày 09/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP phê duyệt Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh.

Để triển khai hệ thống quá cảnh này cần thiết phải xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động quá cảnh hàng hoá, phát huy lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam trong vận chuyển hàng hoá.

Đồng thời đảm bảo cam kết của Việt Nam khi tham gia phê duyệt Nghị định thư số 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải hàng hoá quá cảnh, hỗ trợ việc thực hiện khu vực Thương mại tự do ASEAN và liên kết kinh tế khu vực hơn nữa. Bên cạnh đó, nội luật hoá các nội dung của Nghị định thư số 7, tạo cơ sở pháp lý trong việc triển khai Nghị định thư.

Bộ Tài chính cũng cho biết mục tiêu đặt ra tại dự thảo Nghị định là thực hiện các chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ dần đạt được mục tiêu ngang bằng các nước Asean 4 theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; tăng cường quản lý rủi ro trong các khâu nghiệp vụ hải quan; đảm bảo rõ ràng, cụ thể, minh bạch trong quy định và thống nhất thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh…

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định đề cập đến 4 nội dung chính: Thứ nhất là thủ tục hải quan, thủ tục hải quan được thực hiện trên cơ sở hiệp định, nghị định thư và quy định của pháp luật mỗi nước, đối với Việt Nam đây là một thủ tục mới, với vị trí của Việt Nam thì Việt Nam là điểm đầu hoặc điểm cuối trong dây chuyền thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh này do vậy thủ tục hải quan tại dự thảo Nghị định được quy định chi tiết, cụ thể.

Thứ hai là về hệ thống: Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh ACTS được thực hiện trên một hệ thống, các nước tham gia cùng thực hiện và cùng chia sẻ trên hệ thống đó, do vậy các nội dung liên quan đến hệ thống cũng phải được quy định rất cụ thể, chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi triển khai.

Thứ ba là vấn đề bảo lãnh: Nội dung này là một quy định mới so với pháp luật trong nước, theo quy định hiện hành thì hàng hóa quá cảnh thuộc đối tượng không chịu các loại thuế theo đó không phải bảo lãnh, tuy nhiên đối với quá cảnh ACTS thì phải thực hiện bảo lãnh, theo đó tại dự thảo này phát sinh đến việc bảo lãnh, đến các cơ quan bảo lãnh... đây là nội dung cơ bản, cần phải nội luật hóa tại dự thảo Nghị định này.

Thứ tư về vấn đề về doanh nghiệp ưu tiên, quy định hiện hành hiện chỉ đang áp dụng quy định việc ưu tiên đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, chưa quy định đối với doanh nghiệp thực hiện vận tải hàng hóa quá cảnh, tuy nhiên để phù hợp với Nghị định thư số 7, tại dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể nội dung liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 27
Trong ngày: 276
Trong tuần: 1131
Lượt truy cập: 1598427
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com