Đề nghị xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế
Bộ Ngoại giao đang đề nghị xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế (TTQT) nhằm xử lý các bất cập trong công tác TTQT thời gian qua và tăng cường, phát huy hiệu quả của việc ký kết, thực hiện TTQT.

Bộ Ngoại giao cho biết, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế (Pháp lệnh) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20/04/2007 đã thực hiện tốt vai trò là cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện TTQT, phục vụ tích cực cho việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Các TTQT được ký kết và triển khai trên nhiều kênh khác nhau từ Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan tư pháp, tổ chức nhân dân, ở các cấp khác nhau từ cơ quan ở trung ương đến địa phương, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tác khác nhau, góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng, phức tạp như bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia…

Tuy nhiên, một số vấn đề phát sinh từ tình hình thực tế hoặc do thay đổi hệ thống pháp luật đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu thay đổi quy định về TTQT. Trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan ký kết và thực hiện TTQT, các bộ, ngành, địa phương cơ bản nhất trí cho rằng Pháp lệnh có một số bất cập chủ yếu sau đây: Điều 2 Pháp lệnh quy định không được ký kết TTQT với các nội dung quan trọng được dành riêng cho điều ước quốc tế (ĐƯQT) cấp Nhà nước hoặc cấp Chính phủ như “hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia”, “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tương trợ tư pháp” nhưng không giải thích rõ ràng, chi tiết. Trên thực tế, nhiều TTQT được ký để triển khai các cam kết, ĐƯQT ở cấp cao hơn có nội dung liên quan gián tiếp tới các vấn đề nói trên như TTQT tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của liên hợp quốc hoặc TTQT hợp tác quản lý biên giới, thúc đẩy thương mại vùng biên giữa các tỉnh biên giới…

Về chủ thể ký kết, Pháp lệnh chỉ quy định cơ quan cấp bộ, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức có thẩm quyền ký kết nhưng thực tế nhu cầu hợp tác, ký kết TTQT của các đơn vị trực thuộc ngày càng gia tăng như Tổng Cục Hải quan Bộ Tài chính, Cục An ninh mạng Bộ Công an, các sở, ban ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay Hội Liên hiệp phụ nữ của tỉnh, thành phố. Ngược lại, tuy được Pháp lệnh giao quyền nhưng cho tới nay có rất ít trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ký TTQT.

Về trình tự, thủ tục, Pháp lệnh chưa quy định trình tự đề xuất, ký, tổ chức và theo dõi thực hiện các TTQT hợp tác liên ngành, liên lĩnh vực hoặc liên tỉnh, liên thành phố. Đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh hiện nay chủ yếu là TTQT hợp tác đơn ngành do một bộ, ngành hoặc một địa phương đề xuất. Pháp lệnh cũng chưa quy định các trường hợp cần hoàn thành thủ tục ký TTQT trong thời gian ngắn để phục vụ yêu cầu đối ngoại và lợi ích quốc gia mà mới quy định thủ tục ký kết TTQT thông thường.

Về nhu cầu ký kết TTQT, thời gian qua, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng được đẩy mạnh, các cơ quan ký kết, thực hiện nhiều TTQT, dẫn đến nhu cầu cần quy định chặt chẽ, đầy đủ đối với việc ký TTQT, bảo đảm đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đúng quy định của pháp luật.

Do vậy, việc ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế sẽ giúp xử lý các bất cập trong công tác TTQT thời gian qua, tăng cường, phát huy hiệu quả của việc ký kết, thực hiện TTQT.

Bộ Ngoại giao cũng cho biết, việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện hiệu quả các văn bản hợp tác quốc tế không có tính ràng buộc pháp lý, không tạo ra quyền và nghĩa vụ giữa các bên theo pháp luật quốc tế từ trung ương đến địa phương; quy định chặt chẽ, cụ thể hơn việc ký kết các TTQT, góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình ký kết và thực hiện TTQT thời gian qua; góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thu hút, tận dụng chất xám, kinh nghiệm và nguồn vốn của nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, xã hội; nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 29
Trong ngày: 282
Trong tuần: 1133
Lượt truy cập: 1598433
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com