Triển khai bảo hiểm vi mô hướng đến người nghèo
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định việc triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị- xã hội.

Bộ Tài chính cho biết mục đích xây dựng dự thảo Nghị định nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, rõ ràng với các quy định mang tính đặc thù nhằm tạo điều kiện giúp hoạt động bảo hiểm vi mô không vì mục đích lợi nhuận của các tổ chức chính trị - xã hội phát triển, phù hợp với nhu cầu của thành viên tổ chức chính trị - xã hội, hướng tới các cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp và đi vào thực tiễn cuộc sống.

Về triển khai bảo hiểm vi mô, dự thảo nêu rõ, bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm có số tiền bảo hiểm nhỏ, mức phí bảo hiểm thấp, quyền lợi cơ bản hướng tới các cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống. Do đó, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý đặc thù về bảo hiểm vi mô là cần thiết nhằm góp phần thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, đồng thời khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai bảo hiểm vi mô. Đây cũng là cơ chế khuyến khích được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới.

Trong khi các sản phẩm bảo hiểm thương mại được thiết kế rất đa dạng, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng hoặc phù hợp với rất nhiều tầng lớp khác nhau, sản phẩm bảo hiểm vi mô được thiết kế phù hợp với nhu cầu của thành viên tổ chức chính trị - xã hội, hướng tới các cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp cho nên phải đơn giản, dễ thẩm định, mức phí bảo hiểm thấp, phù hợp nhất với nhu cầu của cá nhân, hộ gia đình. 

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về quyền lợi cơ bản của sản phẩm bảo hiểm vi mô bao gồm: Quyền lợi chăm sóc sức khỏe, quyền lợi bảo hiểm tai nạn, quyền lợi tiết kiệm tuổi già, quyền lợi bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn, quyền lợi trợ cấp mai táng và quyền lợi bảo hiểm thiệt hại máy móc, thiết bị sản xuất, cây trồng, vật nuôi. Các quyền lợi cơ bản này đáp ứng được các nhu cầu bảo hiểm thiết yếu của các thành viên tổ chức chính trị - xã hội.

Các tổ chức bảo hiểm vi mô thuộc tổ chức chính trị - xã hội được chủ động thiết kế sản phẩm bảo hiểm vi mô bao gồm một hoặc một số quyền lợi cơ bản của sản phẩm tùy theo đặc thù, tính chất thành viên của tổ chức chính trị - xã hội như độ tuổi, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.

Dự thảo Nghị định cũng quy định về đặc điểm sản phẩm bảo hiểm vi mô bao gồm thời hạn bảo hiểm thông thường không quá một năm, thủ tục thẩm định đơn giản hoặc không cần thẩm định bảo hiểm, giới hạn số tiền bảo hiểm tối đa, mức phí tối đa, định kỳ thu phí, phương thức thu phí phải phù hợp với thu nhập của người tham gia, thời gian giải quyết quyền lợi nhanh chóng không vượt quá 15 ngày nhằm bảo vệ lợi ích tối đa của các thành viên tham gia.

Nguyên tắc thành lập và hoạt động của tổ chức bảo hiểm vi mô là không vì mục tiêu lợi nhuận. Hoạt động không vì lợi nhuận là hoạt động không tìm kiếm lợi nhuận để phân chia. Thu nhập có được trong quá trình hoạt động được sử dụng để phục vụ lợi ích cho các thành viên tham gia bảo hiểm thông qua việc định phí nhằm giảm trừ phí bảo hiểm, gia tăng quyền lợi bảo hiểm của người được bảo hiểm. Ngoài ra, việc triển khai bảo hiểm vi mô nhằm hướng tới các cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp mang tính nhân văn sâu sắc, đảm bảo chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước. Do đó, thu nhập từ hoạt động của tổ chức bảo hiểm vi mô là thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 18
Trong ngày: 323
Trong tuần: 1116
Lượt truy cập: 1598486
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com