Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. CÔNG BỐ 02 THỦ TỤC THAY THẾ TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ THUẾ

Ngày 15/11/2017, Bộ Tài chính đã công bố thủ tục hành chính sửa đổi, thay thế trong lĩnh vực quản lý thuế thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ tại Quyết định số 2362/QĐ-BTC. Cụ thể, có 02 thủ tục hành chính được sửa đổi, thay thế là: Thủ tục đăng ký cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; thủ tục đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế đối với Đại lý thuế.

Đối với thủ tục đăng ký cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, người được miễn cả 02 môn thi có nhu cầu đăng ký cấp Chứng chỉ nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan Tổng cục Thuế hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký theo quy định. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, người đăng ký sẽ được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Về thủ tục đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế đối với đại lý thuế, đại lý thuế lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc gửi bằng văn bản điện tử qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Thuế sẽ ra văn bản đề nghị xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế cho đại lý thuế hoặc văn bản trả lời doanh nghiệp đối với trường hợp không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Cả 02 thủ tục trên đều không có lệ phí.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/07/2017.

Đất đai- Nhà ở:

  1. THỦ TỤC XÁC ĐỊNH TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHI BÁN NHÀ Ở XÃ HỘI

Ngày 14/11/2017, Chính phủ đã ra Nghị định số 123/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Một trong những nội dung mới của Nghị định này là quy định về trình tự, thủ tục xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi người được mua, thuê mua nhà ở xã hội thực hiện bán, chuyển nhượng. Cụ thể, người mua, thuê mua nhà ở xã hội có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội phải nộp hồ sơ xác định tiền sử dụng đất.

Hồ sơ bao gồm: Văn bản của người mua, thuê mua nhà ở xã hội đề nghị xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi bán nhà ở xã hội; Hợp đồng mua, bán nhà ở xã hội; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc các giấy tờ, hồ sơ khi mua nhà ở xã hội theo quy định về nhà ở xã hội.

Trong tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thuế xác định số tiền sử dụng đất phải nộp. Việc ban hành Thông báo nộp tiền sử dụng đất và thu nộp tiền sử dụng đất thực hiện theo quy định hiện hành.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

  1. QUY ĐỊNH MỚI TRONG CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 19/2017/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNT ngày 27/06/2016 hướng dẫn chi tiết Điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm cũng thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNT.

Đồng thời, Thông tư bổ sung nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm. Cụ thể: Việc chuyển đổi phải theo vùng để hình thành các vùng sản xuất tập trung và đảm bảo phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa; Việc chuyển đổi phải đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có. Đối với chuyển đổi cơ cấu sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản thì chỉ cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa.

Thông tư này được ban hành ngày 09/11/2017, có hiệu lực từ ngày 25/12/2017.

Đầu tư:

  1. ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI TRONG HOẠT ĐỘNG DẦU KHÍ

Ngày 15/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.

Theo quy định mới này, hoạt động dầu khí là hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này như hoạt động hình thành dự án dầu khí, hoạt động thương mại hóa dầu khí được khai thác từ dự án dầu khí của nhà đầu tư.

Nghị định cho phép nhà đầu tư được thành lập hoặc tham gia thành lập công ty điều hành tại Việt Nam, tại nước tiếp nhận đầu tư hoặc tại nước thứ ba theo quy định của pháp luật có liên quan, hợp đồng dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung để chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai dự án dầu khí tại nước ngoài. Trường hợp nhà đầu tư quyết định thành lập công ty điều hành nhằm mục đích thay mặt nhà đầu tư tham gia hoặc triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài, công ty điều hành sẽ được ghi tên trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Công ty điều hành được sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để phục vụ các hoạt động liên quan đến triển khai dự án dầu khí.

Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài có tên miền là www.dautunuocngoai.gov.vn hoặc www.fdi.gov.vn, được sử dụng để thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. NGHĨA VỤ NỘP THUẾ CỦA VIETLOTT

Tại Nghị định số 122/2017/NĐ-CP quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số, Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Chính phủ đã dành riêng một điều quy định về nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).

Cụ thể, Vietlott có trách nhiệm kê khai, quyết toán các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp tại trụ sở chính. Trên cơ sở số thuế phải nộp theo từng sắc thuế, Vietlott thực hiện phân bổ các khoản thuế phải nộp vào ngân sách địa phương theo tỷ lệ doanh thu thực tế phát sinh trên từng địa bàn.

Vietlott cũng có nghĩa vụ khấu trừ, kê khai và quyết toán khoản thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp tại trụ sở chính. Việc phân bổ thuế TNCN phải nộp vào ngân sách địa phương được thực hiện như sau: Thuế TNCN đối với hoa hồng trả cho đại lý, phân bổ theo từng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đại lý phát sinh thu nhập chịu thuế; Thuế TNCN đối với người trúng thưởng, thực hiện phân bổ theo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cá nhân đăng ký tham gia dự thưởng đối với phương thức phân phối thông qua điện thoại hoặc Internet và nơi phát hành vé xổ số đối với phương thức phân phối thông qua thiết bị đầu cuối.

Với các doanh nghiệp kinh doanh xổ số nói chung, Nghị định quy định các doanh nghiệp này chỉ được đầu tư ra bên ngoài đối với các ngành nghề liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xổ số. Khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được trừ một số khoản chi phí đặc thù, như: Chi phí trả thưởng; Chi hoa hồng đại lý cho các đại lý xổ số; Chi phí ủy quyền trả thưởng cho khách hàng trúng thưởng; Chi phí quay số mở thưởng…

Nghị định này được ban hành ngày 13/11/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

  1. QUY ĐỊNH MỚI VỀ XÂY DỰNG VĂN BẢN CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Ngày 10/11/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 16/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2016/TT-NHNN hướng dẫn trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thông tư quy định mới về trường hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính (TTHC). Cụ thể, trong trường hợp này, việc lấy ý kiến đối với quy định về TTHC và các nội dung khác về kiểm soát TTHC thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm soát TTHC.

Như vậy, quy định trước đây tại Thông tư số 27/2016/TT-NHNN về việc lấy ý kiến đối với các dự thảo thông tư có quy định về TTHC đã bị bãi bỏ (Trước đây, Thông tư số 27/2016/TT-NHNN  quy định đối với dự thảo thông tư có quy định về TTHC, ngoài việc tham gia ý kiến về nội dung, Vụ Pháp chế có trách nhiệm cho ý kiến về TTHC tại dự thảo thông tư. Trong trường hợp cần thiết, Vụ Pháp chế tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động của quy định về TTHC).

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Y tế-Sức khỏe:

  1. DANH MỤC DƯỢC LIỆU ĐỘC LÀM THUỐC

Ngày 13/11/2017, Bộ Y tế đã ra Thông tư số 42/2017/TT-BYT ban hành Danh mục dược liệu độc làm thuốc, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền thực hiện quy định về quản lý đối với dược liệu độc trong kinh doanh, đăng ký, ghi nhãn, kê đơn, cấp phát, chế biến, bảo quản, sử dụng, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và các hoạt động khác có liên quan.

Danh mục dược liệu độc làm thuốc bao gồm: Danh mục dược liệu độc nguồn gốc thực vật; Danh mục dược liệu độc nguồn gốc động vật và Danh mục dược liệu độc nguồn gốc khoáng vật.

Cụ thể, Danh mục dược liệu độc nguồn gốc thực vật có 41 loại dược liệu, trong đó có: Cà độc dược; Cam thảo dây; Dừa cạn; Thầu dầu; Tỏi độc; Vạn tuế, Xoan… Danh mục dược liệu độc nguồn gốc động vật có 06 loại dược liệu, gồm: Bọ hung; Ngô công; Sâu ban miêu; Thiềm tô; Toàn yết. Danh mục dược độc nguồn gốc khoáng vật gồm 08 loại dược liệu, như: Bàng sa; Duyên đơn; Duyên phấn; Hùng hoàng…

Vì có độc tính nên các dược liệu nêu trên có thể gây ra phản ứng có hại nghiêm trọng; việc sử dụng làm thuốc cần phải chú ý đến cách sử dụng, kiểm soát chặt chẽ liều dùng, đối tượng dùng và phải được chế biến theo quy trình nghiêm ngặt, đúng kỹ thuật…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 28/12/2017.

Đấu thầu-Cạnh tranh:

  1. DỰ THẦU QUA MẠNG, NHÀ THẦU PHẢI ĐƯỢC NGÂN HÀNG BẢO LÃNH

Đây là nội dung được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu tại Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017, quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Cụ thể, khi tham dự thầu qua mạng, nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu trước thời điểm đóng thầu theo hình thức thư bảo lãnh do ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác phát hành. Đối với những ngân hàng, tổ chức tín dụng đã kết nối với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhà thầu thực hiện bảo lãnh dự thầu qua mạng. Đối với ngân hàng, tổ chức tín dụng chưa có kết nối đến Hệ thống, nhà thầu scan thư bảo lãnh của ngân hàng và đính kèm khi nộp hồ sơ dự thầu nhưng vẫn phải cam kết nộp bản gốc bảo lãnh dự thầu.

Có 02 trường hợp khác nhà thầu phải nộp bản gốc thư bảo lãnh dự thầu cho bên mời thầu, gồm: Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng; Nhà thầu vi phạm quy định về đấu thầu dẫn đến không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu. Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mời thầu, nếu nhà thầu từ chối nộp bản gốc thư bảo lãnh theo yêu cầu thì nhà thầu sẽ bị xử lý theo đúng cam kết trong đơn dự thầu.

Cũng theo Thông tư, file do bên mời thầu, nhà thầu đăng tải lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải có định dạng word, excel, PDF, CAD, các định dạng ảnh, phông chữ thuộc bảng mã Unicode. Đồng thời, file không bị nhiễm virus, không bị lỗi, hỏng và không có mật khẩu.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. TIÊU CHUẨN CỦA GIÁO VIÊN LÀM TỔNG PHỤ TRÁCH ĐỘI

Thông tư số 27/2017/TT-BGDĐT được Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành ngày 08/11/2017, trong đó quy định cụ thể về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (sau đây gọi là Tổng phụ trách Đội).

Giáo viên được chọn để cử làm Tổng phụ trách Đội phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: Đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên đang giữ; Đã được đào tạo nghiệp vụ công tác Đội cùng chuyên ngành giảng dạy hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Đội; Có năng lực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.

Đặc biệt, những giáo viên có khả năng về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao, thuyết trình, tổ chức sự kiện, truyền thông sẽ được ưu tiên lựa chọn làm Tổng phụ trách Đội để giúp nhà trường tổ chức tốt các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.

Cũng theo Thông tư, thời hạn giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội là 05 năm; hết thời hạn này, nhà trường có trách nhiệm bố trí giáo viên trở lại giảng dạy theo đúng chuyên ngành được đào tạo. Trường hợp giáo viên hết thời hạn được cử nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn và có nguyện vọng tiếp tục làm thì hiệu trưởng và Hội đồng trường cùng thống nhất, xem xét, quyết định.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 24/12/2017.

  1. ĐẾN 2020, 100% SINH VIÊN ĐƯỢC ĐÀO TẠO NÂNG CAO NGOẠI NGỮ

Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016 - 2020) của ngành Giáo dục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 02/11/2017, tại Quyết định số 4591/QĐ-BGDĐT.

Kế hoạch này hướng tới mục tiêu: Đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng tài năng trẻ, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trẻ giỏi; Giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên; Nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, kỹ năng sống cho học sinh, học viên, sinh viên… Theo đó, chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020, 100% sinh viên đại học, sinh viên sư phạm được triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ; 100% các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm triển khai công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và có ít nhất 70% học sinh, học viên, sinh viên được trang bị kiến thức về kỹ năng sống, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới.

Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ: Trong Quý IV/2017, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ các nhóm thanh niên yếu thế được đi học; Triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” từ Quý I/2018; Triển khai thực hiện Đề án về ứng xử văn hóa trong trường học sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III/2018; Thường xuyên tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, chống bạo lực học đường, bạo lực gia đình cho học sinh, sinh viên trong các cấp học phổ thông; cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo sư phạm…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Chính sách:

  1. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về việc phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 09%.

Cụ thể, sẽ hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn…). Quy hoạch mới chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” trên cơ sở quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông.

Đồng thời, xây dựng Đề án bảo vệ bờ biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, phòng chống xói lở bờ biển; tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng và giám sát chặt chẽ việc triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030.

Ngoài ra, xem xét việc thành lập Quỹ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm an ninh tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước tháng 12/2020, sẽ hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối với cơ sở dữ liệu của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

Công nghiệp:

  1. TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC TIẾP CẬN CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 4246/QĐ-BCT ngày 10/11/2017 về Kế hoạch hành động ngành Công Thương triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Với tổng kinh phí thực hiện là 60 tỷ đồng, Kế hoạch hành động gồm các nội dung: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và nhanh chóng hấp thu, phát triển các công nghệ của cuộc CMCN 4.0; Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của cơ quan quản lý Nhà nước ngành công thương; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Phát triển nguồn nhân lực ngành công thương phục vụ yêu cầu của cuộc CMCN 4.0; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế.

Trong giai đoạn 2018 - 2019, các trường, viện nghiên cứu thực hiện xây dựng và triển khai thí điểm mô hình đào tạo kết hợp với sản xuất ngay tại các cơ sở đào tạo nghề và xây dựng đề án “Đổi mới đào tạo, dạy nghề trong các cơ sở đào tạo ngành công thương theo mô hình tương hỗ “vocational - acedemic - business” nhằm nhanh chóng chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc CMCN 4.0.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

  1. MỤC TIÊU ĐẾN 2023, THU NHẬP CỦA NGƯỜI TRỒNG CÀ PHÊ TĂNG 7%

Ngày 15/11/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 4653/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia "Cà phê Việt Nam chất lượng cao".

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án khoảng 170 tỷ đồng. Đề án khung đề xuất các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng đối với sản phẩm cà phê trên cả nước, ưu tiên cho các vùng chủ lực là Tây Nguyên (gồm các tỉnh Đăk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), Bắc Trung bộ (Quảng Trị), Trung du miền núi phía Bắc (Sơn La, Điện Biên). Thời gian thực hiện Đề án: 2018 - 2023 và tầm nhìn 2030.

Mục tiêu đến năm 2023, thu nhập của người trồng cà phê tăng 07% so với mức thu nhập bình quân niên vụ 2013 - 2014. Về khoa học và công nghệ, chọn tạo và công nhận 04 giống cà phê chất lượng cao, gồm 02 giống cà phê vối (công nhận sản xuất thử năm 2019, chính thức năm 2023); 02 giống cà phê chè (công nhận chính thức 01 giống năm 2020 và 01 giống năm 2023).

Đồng thời, hoàn thiện quy trình canh tác cà phê chất lượng cao bền vững theo hướng GAP; Hỗ trợ tối thiểu 10 doanh nghiệp hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến ướt (sử dụng enzim và vi sinh vật); Xây dựng thương hiệu Cà phê Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm có 50% doanh nghiệp đầu ngành gắn thương hiệu Cà phê Việt Nam chất lượng cao trên bao bì sản phẩm trong giao dịch, mua bán trên thị trường trong nước và thế giới.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 8
Trong ngày: 82
Trong tuần: 677
Lượt truy cập: 1591784
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com